Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dọa sẽ chặn việc xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng như uranium, titan và niken sang phương Tây. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thương mại và sản xuất công nghiệp toàn cầu như thế nào?

“Nguồn cung cấp một số hàng hóa cho chúng ta bị hạn chế và có lẽ chúng ta cũng nên cân nhắc một số hạn chế nhất định, ví dụ như đối với uranium, titan và niken”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ vào giữa tháng 9 vừa qua. Thông tin này rất đáng lưu tâm vì Mỹ và Liên minh châu Âu nhập khẩu những nguyên liệu thô từ Nga với số lượng lớn.

Vai trò của uranium từ Nga

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Putin đề cập đến uranium trước tiên. Công ty nhà nước Rosatom của Nga nắm giữ hơn 40% thị trường thế giới về uranium làm giàu cần thiết để vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Không có quốc gia nào có thể cung cấp nguồn uranium làm giàu cho các lò phản ứng thế hệ mới có chất lượng cao như vậy.

Công ty nhà nước Rosatom của Nga nắm giữ hơn 40% thị trường thế giới về uranium làm giàu phục vụ điện hạt nhân

Công ty nhà nước Rosatom của Nga nắm giữ hơn 40% thị trường thế giới về uranium làm giàu phục vụ điện hạt nhân

Mỹ là đối tác mua uranium đã làm giàu lớn nhất từ ​​Nga, chiếm một nửa doanh số bán ra nước ngoài của Rosatom, lên tới khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Cùng với đó, lượng uranium được Rosatom giao cho Liên minh châu Âu (EU) lên tới khoảng 500 triệu USD.

Rosatom cũng cung cấp nhiên liệu thành phẩm và dịch vụ cho các nhà máy điện hạt nhân theo thiết kế của Liên Xô và Nga. Theo số liệu của riêng công ty, vào năm 2023, công ty đã tạo ra hơn 4 tỷ USD trong tổng doanh thu toàn cầu là 16,4 tỷ USD tại các nước phương Tây.

Việc cắt giảm doanh số sẽ tổn hại cho cả hai bên, đó là lý do tại sao cho đến gần đây Rosatom là một trong số ít các công ty Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, phương Tây đã thấy rõ rằng sự phụ thuộc của ngành năng lượng hạt nhân vào Nga phải giảm xuống.

Centrus Energy của Mỹ là công ty đầu tiên bắt đầu làm giàu uranium của riêng mình vào cuối năm ngoái, nhưng khối lượng sản xuất sẽ vẫn khiêm tốn trong tương lai gần. Hoạt động kinh doanh chính của Centrus Energy thực tế là cung cấp uranium đã làm giàu mà công ty mua từ Rosatom.

Ngoài ra, hai công ty châu Âu là Urenco và Orano cũng làm giàu uranium với số lượng lớn, hướng đến tăng nguồn cung cho thị trường Mỹ. Ông Dmitry Gorchakov, một chuyên gia hạt nhân tại Bellona, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ chính sách môi trường bền vững trong lĩnh vực công nghiệp nhận định, nếu thành công, Mỹ có thể không cần nguồn cung của Nga trong khoảng 5 năm và EU thì muộn hơn một chút.

Các công ty Mỹ gần đây cũng đã nhập khẩu nhiều uranium làm giàu hơn từ Trung Quốc, mặc dù có lẽ một phần là uranium được bán lại từ Nga. Điều đó cho thấy rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt, nguyên liệu thô của Nga vẫn có thể tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các kênh khác.

Điều hướng sự phụ thuộc vào titan

Sản xuất titan ở Nga hầu như chỉ nằm trong tay VSMPO-Avisma, một công ty có trụ sở tại dãy núi Ural. Công ty này sản xuất khoảng 15% bọt biển titan của thế giới, một nguyên liệu thô dùng để đúc các thỏi titan sử dụng rộng rãi trong sản xuất các thành phần cho ngành hàng không vũ trụ, ô tô, y tế và hóa chất.

Titan của Nga được sử dụng trong chế tạo máy bay tại châu Âu và Mỹ

Titan của Nga được sử dụng trong chế tạo máy bay tại châu Âu và Mỹ

Về thị phần này, chiếm hơn 50% lượng bọt biển titan có sẵn trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, dưới 25% từ Nhật Bản và dưới 10% ở Kazakhstan.

Giống như Rosatom, VSMPO-Avisma cũng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trước xung đột Nga-Ukraine, khách hàng chính của VSMPO-Avisma ở nước ngoài là công ty máy bay Boeing của Mỹ và đối thủ cạnh tranh châu Âu Airbus. VSMPO-Avisma đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu về titan của Boeing và hơn một nửa nhu cầu của Airbus. Nhưng Boeing đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với VSMPO-Avisma sau mùa xuân năm 2022 và Airbus cũng làm theo vào tháng 12 cùng năm.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ được phép hợp tác với VSMPO-Avisma theo một số điều kiện nhất định. Các lệnh trừng phạt của Canada đối với công ty Nga cũng đưa ra các ngoại lệ, ví dụ như đối với các nhà sản xuất máy bay Bombardier và Airbus.

Không giống như EU, Mỹ có thể dễ dàng giảm sự phụ thuộc vào Nga hơn vì nước này có các công ty chế biến bọt biển titan nhập khẩu. Do đó, EU ngày càng phụ thuộc vào Mỹ về titan, nhưng hiện tại, EU không còn lựa chọn nào khác.

Tương lai không chắc chắn cho niken

Một trong những nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, công ty Norilsk Nickel của Nga, đã được miễn lệnh trừng phạt trong một thời gian khá dài. Mỹ và Anh chỉ áp đặt các hạn chế cách đây 1 tháng và EU vẫn chưa làm như vậy.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu của công ty đã thay đổi sau khi chiến sự bắt đầu. Năm 2023, thị phần của Norilsk Nickel tại châu Âu giảm từ 50% xuống còn 24% so với năm 2021, trong khi Bắc và Nam Mỹ giảm từ 16% xuống còn 10%. Mặt khác, thị phần của châu Á tăng gấp đôi, lên 54%. Sự định hướng lại từ Tây sang Đông này không phải là thách thức duy nhất đối với công ty Nga.

Nhu cầu về niken đã tăng mạnh trong những năm gần đây vì nó cần thiết cho việc sản xuất pin lithium-ion cho xe điện. Ngày nay, giá nikel của Nga thấp hơn so với thời điểm 2022 một phần là do Indonesia, quốc gia có trữ lượng niken lớn hơn đáng kể so với Nga, bất ngờ thâm nhập vào thị trường này. Do đó, triển vọng của Norilsk Nickel vẫn chưa rõ ràng.

Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ thị cân nhắc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng như urani, titan và niken

Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ thị cân nhắc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng như urani, titan và niken

Bài phân tích trên tờ DW của Đức cho rằng, Tổng thống Nga Putin kêu gọi chính phủ xem xét các hạn chế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô để tránh gây bất lợi cho Nga. Nhưng ít nhất là hiện tại, Nga sẽ khó sử dụng các nguyên liệu thô đặc biệt này như một vũ khí địa chính trị tiềm năng.

https://www.anninhthudo.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-nga-chan-xuat-khau-nguyen-lieu-tho-sang-phuong-tay-post591921.antd

Yến Chi / ANTD