Theo các chuyên gia, các thách thức đang gia tăng và đặt điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) ở thế tiến thoái lưỡng nan hơn.
- Mỹ giám sát chặt chẽ chính sách tiền tệ của Trung Quốc
- Fitch cảnh báo rủi ro từ chính sách tiền tệ của Việt Nam
- Chính sách tiền tệ ở thế khó
Áp lực và rủi ro gia tăng
Mặc dù xu hướng thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới không phải là vấn đề mới và chúng ta đã lường đón trước, nhưng việc thắt chặt mạnh hơn (như quyết định tăng lãi suất 0,5% của Fed vừa qua và khẳng định có thể còn tăng 0,5% nhiều lần nữa trong năm nay) sẽ gây ra những tác động nhất định. Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam, quyết định tăng lãi suất vừa qua của Fed chủ yếu phản ánh nỗ lực mạnh hơn trong ngăn chặn lạm phát đang tăng quá cao tại Mỹ. Điều này cũng cho thấy, Mỹ có thể chấp nhận ưu tiên chống lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế và khi các nền kinh tế lớn đều có xu hướng thắt chặt CSTT thì sức cầu sẽ giảm xuống và như vậy sẽ tác động gián tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tăng mạnh lãi suất của Fed có thể tác động đến dòng vốn đầu tư và tỷ giá tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. “Tuy nhiên, điều này khó xảy ra ngay lập tức và chúng ta cần theo dõi các động thái tiếp theo của Fed để có những điều hành phù hợp”, TS. Lê Duy Bình lưu ý. Cũng theo chuyên gia này, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối tốt, sự bền bỉ của hệ thống ngân hàng suốt những năm qua nên tác động có thể có nhưng sẽ không lớn.
Áp lực lạm phát khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc giảm lãi suất |
Không chỉ bên ngoài, trong nước áp lực lạm phát cũng đang lớn hơn rất nhiều, cộng thêm cầu tín dụng cũng tăng nhanh sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn. Thực tế từ nửa cuối tháng 4 đến nay, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với các kỳ hạn dài. Các chuyên gia nhận định, xu hướng này có thể còn tiếp tục trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng đang tăng lên.
Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, lãi suất huy động tăng khiến lãi suất cho vay cũng đối diện với áp lực tăng dù ngành Ngân hàng đang nỗ lực đảm bảo lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi. “Thách thức rất lớn của ngành Ngân hàng hiện nay là vừa phải đảm bảo lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ phục hồi, vừa phải tăng dự phòng để đối phó với áp lực nợ xấu gia tăng”, chuyên gia này nhận định và lưu ý: “Trong bối cảnh nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động bình thường thì các chính sách về khoanh, hoãn, giãn nợ có thể sẽ không kéo dài nữa, nên áp lực nợ xấu càng gia tăng và các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng dẫn đến khó khăn hơn trong giảm lãi suất cho vay. Tất cả những yếu tố đó cho thấy, điều hành CSTT đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn và tôi cho rằng, điều hành tiền tệ từ nay đến cuối năm còn phức tạp và khó khăn so với tài khóa rất nhiều”.
Linh hoạt, thận trọng
Cùng nhận định trên, PGS.TS. Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn một loạt những khó khăn của khu vực doanh nghiệp do tác động của đại dịch vừa qua để cho thấy khu vực kinh tế thực đang có những tác động tiêu cực đến khu vực tài chính, như khiến tỷ lệ CAR bị sụt giảm; các khoản phải thu, lãi dự thu của các ngân hàng ở mức cao… Những rủi ro này nếu kéo dài sẽ có những tác động ngược trở lại đến các khu vực khác, đặc biệt đến tiềm năng tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế.
Trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô gia tăng, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, CSTT có thể phải có những thắt chặt nhất định, ví dụ vấn đề cung tiền và gói hỗ trợ lãi suất 2% có thể phải thu hẹp lại. Trong khi đó liên quan đến những tác động từ việc Fed và các NHTW lớn khác đang đẩy mạnh thắt chặt chính sách, TS. Lê Duy Bình cho rằng, trước hết cần theo dõi phản ứng của thị trường trong thời gian tới, từ đó tính toán tác động định lượng cụ thể để có những điều chỉnh thích hợp nếu cần thiết.
Ví dụ về lãi suất, cần tiếp tục theo dõi xem mức độ tác động các lần tăng lãi suất của Fed đến đâu cũng như khả năng cung ứng, cân đối thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước như thế nào để điều hành phù hợp, linh hoạt, phản ánh được thực tế. Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, để giữ được lãi suất cho vay không tăng thì cần các công cụ khác để giảm bớt chi phí giao dịch của các NHTM. “Trong bối cảnh này, tôi nghĩ cần các biện pháp mang tính kỹ thuật của cả NHNN, Bộ Tài chính và các bên liên quan khác để đảm bảo được sự điều hành linh hoạt. Hơn nữa, Fed cũng đã nói rõ về khả năng tăng lãi suất ở lần tiếp theo và thậm chí những lần sau nữa. Như vậy với nền kinh tế mở và hội nhập sâu, chúng ta đi một bước nhưng đồng thời cũng phải tính đến bước tiếp theo sẽ thế nào cho tương thích, phù hợp”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF trong chuyến làm việc tại Việt Nam mới đây cũng cảnh báo, sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và áp lực lạm phát gia tăng trong nước đang là các rủi ro lớn hiện nay. “Nếu xuất hiện các áp lực lạm phát dai dẳng, NHNN nên thắt chặt vị thế CSTT và truyền thông rõ ràng các yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát. Trong thời gian tới, chính sách tăng trưởng tín dụng nên cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính”, bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn tham vấn Điều IV đề xuất.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 25/4, tín dụng đã tăng 6,75% so với cuối năm 2021, tức gần bằng một nửa mức tăng trưởng tín dụng dự kiến cả năm là khoảng 14%. Ở góc độ tích cực, tín dụng tăng nhanh những tháng đầu năm cho thấy nhu cầu vốn tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Nhưng mặt khác, đây cũng là dấu hiệu cho thấy áp lực và bài toán trong điều hành CSTT những tháng còn lại của năm 2022 sẽ khó khăn hơn, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng cũng vừa kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, uyển chuyển, linh hoạt và khéo léo là rất quan trọng của điều hành tiền tệ trong bối cảnh hiện nay. Chuyên gia này đơn cử, mặc dù cần tiếp tục theo dõi, đánh giá các rủi ro tiềm tàng của những dòng tín dụng có thể chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, BĐS nhưng ngay trong BĐS cũng có nhiều phân khúc và trong những năm vừa qua về cơ bản chúng ta đánh đồng mức độ rủi ro cho mọi loại hình BĐS. “Nếu nhìn BĐS theo nghĩa phát triển dự án, công trình đi cùng xây dựng, nhất là các dự án phục vụ nhu cầu thực thì đây lại là một ngành có hệ số kéo, mức độ lan tỏa cao, giúp tăng trưởng rất tốt. Nên ở đây cần phân loại các phân khúc BĐS rõ hơn, có khác biệt về mức độ rủi ro”, chuyên gia này khuyến nghị.
https://thoibaonganhang.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-linh-hoat-trong-the-luong-nan-126981.html