Khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay trên địa bàn thành phố là thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội , nhà ở cho thuê. Trong khi đó, nhiều năm nay, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TPHCM lại nằm “bất động”.
Theo báo cáo mới đây với Sở Xây dựng, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho rằng có quá nhiều lý do đang cản trở cho chường trình triển khai nhà ở xã hội. Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn được UBND TPHCM cho phép tự ứng vốn đầu tư xây dựng 1 block nhà ở xã hội (NƠXH) tại dự án Khu nhà ở Bùi Minh Trực III (phường 5, quận 8) vào tháng 10.2017. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể triển khai vì gặp khó trong việc điều chỉnh tăng chiều cao công trình, số lượng căn hộ để đảm bảo tính khả thi của dự án. Hay đơn cử như dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (số 91A Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, Quận 9) của Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền gần 11 năm chưa triển khai vì có nhiều vướng mắc trong thủ tục.
Khó khăn về nhiều phương diện nên đang có nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tìm đủ cách để xin điều chỉnh mục đích sang nhà ở thương mại. Điều này càng khiến cho nguồn cung nhà ở xã hội ngày càng "teo tóp".
Điển hình là dự án Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền, tọa lạc tại phường 16, quận 8 (TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư Tấn Hưng làm chủ đầu tư. Tháng 4.2008, trong cuộc họp báo công bố dự án, đại diện chủ đầu tư tuyên bố sau 36 tháng sẽ hoàn thành dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã gặp một số khó khăn, Công ty Tấn Hưng đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho chuyển đổi chức năng đầu tư dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại. Hiện tại, khu đất để triển khai dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.
Tương tự, mới đây Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn cũng có văn bản kiến nghị về dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường An Phú Đông, quận 12. Bởi trong tổng số 308 căn hộ, công ty phải dành tối thiểu 61 căn nhà ở xã hội để cho thuê, được bán tối đa 184 căn hộ với giá không vượt quá 14,5 triệu đồng/m2; được bán kinh doanh thương mại 63 căn hộ. Tuy nhiên, công ty này tính toán, nếu làm như vậy sẽ bị lỗ gần 15 tỉ đồng. Do đó, Công ty đề xuất Sở Xây dựng TPHCM cho phép chuyển đổi 61 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê sang bán giá thương mại để thu hồi vốn và có lãi.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Công ty cổ phần địa ốc Trường Phát, nhà ở xã hội được Nhà nước khuyến khích phát triển, nhưng hiện tại, khi triển khai đầu tư xây dựng thì lại không còn gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng nữa. Đối với các doanh nghiệp, sứ mệnh của họ vẫn là lợi nhuận. Khi đầu tư một dự án mà bị ràng buộc bởi nhiều quy định, trong khi lại không chủ động được công tác triển khai, khai thác, nên họ ngại làm là điều dễ hiểu.
Báo cáo với thành phố, mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng nêu rõ vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay là thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Trước tình hình đó, theo Sở Xây dựng, thành phố nên khuyến khích cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, nhà nước sẽ bố trí vốn phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua. Tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của các đối tượng có thu nhập thấp.
Gia Miêu
Doanh nghiệp nản vì thủ tục, nguồn cung nhà ở xã hội ngày càng teo tóp Khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay trên địa bàn thành phố là thiếu nguồn cung loại hình nhà ... |