Các lệnh trừng phạt có thể đã khiến Triều Tiên chấp nhận đàm phán về phi hạt nhân hóa nhưng vẫn còn hoài nghi về mức độ nghiêm túc của họ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên hôm qua cho biết họ đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố sẽ đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và vũ khí trong thời gian diễn ra đàm phán.
Tuyên bố này là động thái lớn vì Bình Nhưỡng vốn luôn gọi vũ khí hạt nhân là "thanh gươm công lý" và nhấn mạnh họ sẽ không mang nó ra để thương thảo với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên bày tỏ rõ ràng về việc đưa phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.
Quyết định của Triều Tiên là kết quả nỗ lực của Tổng thống Hàn Moon Jae-in để giảm căng thẳng trên bán đảo và khiến Mỹ - Triều đối thoại. Ông Moon đã mời được Triều Tiên tham gia Olympic mùa đông tháng trước tại Pyeongchang để mở đường cho cuộc gặp tuần này giữa các đặc phái viên Hàn Quốc với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhưng nỗ lực ngoại giao của ông Moon không phải điều duy nhất dẫn đến tuyên bố "chìa nhành ô liu" với Mỹ của Triều Tiên. Kinh tế Triều Tiên đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế - một phần trong chiến lược gây áp lực tối đa mà chính quyền Trump áp dụng với chính quyền Kim Jong-un. "Họ muốn giảm bớt áp lực", Robert Einhorn, nhà phân tích kiểm soát vũ khí thuộc Viện Brookings, nói, theo USA Today.
Triều Tiên nói rằng họ sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân nếu an ninh của họ được đảm bảo, tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa chỉ rõ điều họ muốn. Bình Nhưỡng thường xuyên tức giận trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vì cho rằng đây là động thái chuẩn bị cho việc tấn công nước họ. Vì vậy, Triều Tiên có thể yêu cầu liên minh giảm quy mô hoặc dừng các cuộc tập trận này. Họ cũng có thể yêu cầu giảm quân Mỹ tại Hàn Quốc hoặc chấm dứt thỏa thuận an ninh giữa hai nước. Mỹ có hơn 25.000 quân đóng tại Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng cũng có thể yêu cầu Mỹ và Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt gây sức ép lên nền kinh tế khó khăn của đất nước. Trong các cuộc đàm phán trước đây, họ cũng đưa ra các yêu cầu về tài chính. Năm 1994, Hàn Quốc đồng ý chi trả hầu hết chi phí 4 tỷ USD cho lò phản ứng nước nhẹ ở Triều Tiên để thay thế lò phản ứng có thể sản xuất plutonium dùng trong quân sự.
Việc Triều Tiên sở hữu các vũ khí nguy hiểm đã trở thành một thực tế không thể chối bỏ nên vị thế của ông Kim khi đàm phán đã lớn hơn nhiều. Ông có thể đưa ra những yêu cầu có tác động lâu dài hơn là những biện pháp tạm thời, David Von Drehle, cây bút của Washington Post viết.
Nhiều chuyên gia hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên. "Chúng ta không nên ảo tưởng rằng họ sẽ dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", Jenny Town, trợ lý giám đốc Viện Mỹ - Hàn tại trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, đánh giá.
Những nỗ lực trước đây để kiềm chế kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm thỏa thuận năm 1994, đã kết thúc trong thất bại khi có bằng chứng rằng Triều Tiên vẫn tiến hành chương trình làm giàu uranium mặc dù đang thỏa thuận với Mỹ. Triều Tiên cũng thường xuyên phản đối các chuyến thăm của thanh sát viên vũ khí, theo Balazs Szalontai, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc.
"Đó không phải là một cam kết xóa bỏ hạt nhân vô điều kiện. Hiện chưa rõ họ sẽ cam kết làm gì", Einhorn nói. Tuy nhiên, các nhà phân tích khác nói rằng các cuộc đối thoại có thể mang lại những kết quả bất ngờ. "Đây là một cửa sổ cơ hội lớn", Town đánh giá.
Hàn Quốc cho biết ông Moon và ông Kim sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 4 ở Khu phi quân sự. Chính quyền Trump có thể theo dõi cuộc họp và các hành động khác của Triều Tiên để đánh giá mức độ nghiêm túc của ông Kim đối với việc phi hạt nhân hóa trước khi đồng ý đàm phán. "Thế giới đang theo dõi và chờ đợi!", Trump viết trên Twitter.
Ông Trump ca ngợi đàm phán liên Triều, muốn Triều Tiên "hành động" Tổng thống Donald Trump mô tả thông tin Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân là ... |
Triều Tiên muốn viết "lịch sử mới" với Hàn Quốc Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đích thân tiếp đón các quan ... |