Trong thời gian gần đây, bất chấp đại dịch COVID-19, hoạt động lừa đảo và nạn buôn người ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Tất cả bắt đầu với một lời chào mời việc làm hấp dẫn, được trả lương cao tại một quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan hay Myanmar.
- Hội Tam Hoàng và vòi bạch tuộc buôn người ở Đông Nam Á
- Campuchia tăng cường kiểm tra, hỗ trợ người nước ngoài là nạn nhân buôn người
- Thủ đoạn tàn bạo của băng nhóm buôn người xuyên biên giới
Những người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy, được mua vé máy bay, nhưng khi đến quốc gia họ đã chọn thì bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó, họ bị khống chế và phải thực hiện các trò lừa đảo, gian lận qua điện thoại hoặc trên mạng Internet. Những nạn nhân này bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Và chính các nạn nhân này còn bị dụ dỗ, ép buộc tìm thêm những người mới.
Lừa đảo qua điện thoại tràn lan trong dịch bệnh
Tại Đông Nam Á, Thái Lan nổi lên không chỉ là trạm trung chuyển mà còn là nạn nhân của hoạt động buôn người. Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay, có rất nhiều thông tin đề cập đến băng đảng lừa đảo qua điện thoại (truyền thông Thái Lan gọi là Call Center Gang) đã gây nguy hại lớn cho xã hội Thái Lan trong những năm gần đây.
Những năm trước đó, cộng đồng người Hoa ở Thái Lan thường là nạn nhân của lừa đảo qua điện thoại, các nhóm tội phạm thường mạo danh các cơ quan chính phủ như Đại sứ quán Trung Quốc để tiến hành đe dọa, lừa gạt, hoặc mượn danh nghĩa của các tổ chức tài chính hay cờ bạc trực tuyến sử dụng “miếng mồi thu nhập cao” để lôi kéo các nạn nhân tham gia vào các hoạt động “đầu cơ” hoặc “cờ bạc” rồi khiến họ bị mất trắng. Do hạn chế về ngôn ngữ nên lừa đảo qua điện thoại không lan rộng trong cộng đồng người Thái.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Thái Lan đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo qua điện thoại, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan của Thái Lan hứng chịu tổn thất nặng nề, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và bất ổn xã hội âm ỉ.
Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã phối hợp với cảnh sát Campuchia, Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc Đại lục đẩy mạnh tấn công các băng đảng tội phạm lừa đảo qua điện thoại, đánh bạc trực tuyến. Ngày 11-2-2022, trong một chiến dịch hành động chung, cảnh sát Thái Lan và Campuchia đã phối hợp bắt giữ một nhóm đối tượng 21 người Thái Lan nhưng do người Trung Quốc cầm đầu hoạt động lừa đảo qua điện thoại ở Campuchia. Nhóm đối tượng này sau đó đã bị phía Campuchia trục xuất về nước.
Trong 2 ngày 21, 22-8, Cảnh sát Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) đã giải cứu thành công 16 người Đài Loan (Trung Quốc) bị mắc kẹt ở Campuchia và "khu Công viên KK" ơ Myanmar. Ngày 23-8, cảnh sát Thái Lan phát thông cáo báo chí cho biết: “Thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo ở Campuchia có xu hướng bán lại nhân viên của họ cho các tổ chức lừa đảo khác hoặc chuyển cơ sở đến khu Công viên KK ở Myanmar. Thái Lan sẽ tăng cường lực lượng nhân viên điều tra đồn trú ở vùng biên giới giữa hai nước nhằm phong tỏa các tuyến đường vận chuyển của các nhóm buôn người và điều tra hành vi buôn người trái phép”.
Mới đây nhất, qua đơn thư tố giác từ ngày 23 đến 26-8-2022, các lực lượng chức năng Campuchia đã tiến hành giải cứu thành công 9 công dân Malaysia trong 4 vụ lừa đảo khác nhau, bắt giữ 8 nghi phạm người Trung Quốc, 1 nghi phạm người Malaysia, thu giữ nhiều tang vật như súng đạn, mã tấu, ô tô, tiền mặt...
Đầu năm 2022, Đại học Hoàng gia Thái Lan Suan Dusit (SDU) đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến đối với 1.221 người trên phạm vi khắp cả nước về hoạt động “lừa đảo qua điện thoại”, trong đó 21,02% cho biết đã trực tiếp bị lừa đảo qua điện thoại, 32,87% nắm bắt về việc lừa đảo qua điện thoại từ người thân bị lừa đảo hoặc các nạn nhân khác, 14,19% biết được tình hình lừa đảo qua điện thoại từ các phương tiện truyền thông, 86,9% cho rằng lừa đảo qua điện thoại gây nguy hại nghiêm trọng đối với xã hội và mong muốn chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để xóa bỏ tận gốc các tội phạm liên quan, trừng trị thích đáng các băng đảng tội phạm.
Hệ lụy từ ngành công nghiệp cờ bạc
Nói đến cờ bạc, Xa Trí Giang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông Thái Lan trong thời gian qua. Xa Trí Giang - Chủ tịch Tập đoàn quốc tế châu Á-Thái Bình Dương và là ông trùm cờ bạc trực tuyến người Hoa mang hộ chiếu Campuchia - đã bị cảnh sát Bangkok bắt giữ ngày 10-7-2022 do tình nghi liên quan đến việc vận hành đánh bạc xuyên biên giới bất hợp pháp.
Xa Trí Giang bị cảnh sát Trung Quốc truy nã với các tội danh liên quan đến điều hành đường dây cờ bạc trực tuyến xuyên biên giới, thiết lập nhiều trang mạng cờ bạc trực tuyến, thu nhập bất chính hơn 21,8 triệu USD.Trung Quốc và Thái Lan đã có hiệp định dẫn độ, nhưng tiến trình này có thể mất nhiều tháng. Nếu phải ra tòa tại Trung Quốc, Xa Trí Giang có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù.
Truyền thông Thái Lan chỉ đề cập đến Xa Trí Giang là một nhân vật có nhiều tranh cãi, không đề cập đến cáo buộc của Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu (GASO) trên Facebook ngày 14-8 khi cho biết Xa Trí Giang là ông chủ của “khu Công viên KK” được mệnh danh là “ga cuối Đông Nam Á” và “địa ngục buôn người Myanmar”.
Chính sách khôi phục lệnh cấm ngành công nghiệp cờ bạc của chính phủ Campuchia dẫn đến việc các nhà đầu cơ Trung Quốc rút vốn và một lượng lớn lao động sơ tán. Cộng thêm nguyên nhân dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc tăng cường quản lý công dân xuất cảnh, nên mạng lưới cờ bạc trực tuyến ngầm ở Campuchia thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là đội ngũ nhân viên biết nói tiếng Trung.
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/dong-nam-a-nhuc-nhoi-nan-lua-dao-va-buon-nguoi-i666333/