Chiều hướng của đại dịch Covid-19, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron (và có thể là những biến chủng nguy hiểm khác) được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế châu Á trong năm 2022. Song, những đánh giá, dự báo khác nhau về diễn biến của đại dịch trong năm nay khiến giới đầu tư châu lục chọn giải pháp an toàn, ưu tiên tìm kiếm nơi “trú ẩn” cho đồng vốn.
Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế trong thu hút vốn nước ngoài trong năm 2021 |
Lợi nhuận chưa phải ưu tiên hàng đầu
Hiện vẫn có những đánh giá khác nhau (cả lạc quan lẫn bi quan) về diễn biến của đại dịch Covid-19 trong năm nay. Hầu hết các quốc gia phát triển phương Tây từ Mỹ tới châu Âu (như Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ…) cùng đồng tình với nhận định rằng, đại dịch sẽ kết thúc trong năm 2022 và Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á lại có nhìn nhận xem ra bi quan hơn. Sở dĩ như vậy là bởi nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống chọi với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra đang bắt đầu gia tăng như Nhật Bản hay Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc)…
Cũng do quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau về tình hình đại dịch trong năm 2022 nên các chính phủ châu Á và khu vực liên quan đang triển khai thực hiện những chính sách, chiến lược phòng chống rất khác nhau. Trong khi Australia từng thực hiện “Zero Covid” trong thời gian dài nay đã từ bỏ chính sách này để dần chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên có quốc gia và cũng là nền kinh tế lớn nhất khu vực là Trung Quốc đến nay vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á tùy theo mức độ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 và điều kiện hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình đã tìm giải pháp “trung dung” giữa mở cửa hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh với “đóng chặt” cửa. Nói cách khác, những quốc gia, vùng lãnh thổ này theo đuổi chính sách cân bằng, vừa đảm bảo khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh chính sách kinh tế, đầu tư còn chứa đựng những “ẩn số” đó, các nhà đầu tư châu Á cũng đặt lên hàng đầu là sự an toàn của đồng vốn chứ chưa phải là lợi nhuận lúc này. Nhiều nhà đầu tư ở châu Á đang tìm kiếm nơi “trú ẩn an toàn” cho đồng vốn trước bất ổn của đại dịch. Nhưng cũng có không ít nhà đầu tư khác vẫn lạc quan về khả năng “vượt bão” khủng hoảng của châu Á khi các quốc gia hàng đầu của châu lục hiện vẫn kiềm chế được số người tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới. Niềm tin này đến từ đánh giá chung cho rằng, châu Á vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022 bất chấp những dự báo mới nhất đã tỏ ra dè dặt hơn kể từ khi xuất hiện biến chủng Omicron. Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 phát hành trung tuần tháng 12-2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dù điều chỉnh dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Á giảm xuống 5,3% trong năm 2022, nhưng đây vẫn là tốc độc tăng trưởng khá cao so với thế giới.
Cùng với việc lựa chọn những quốc gia và vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh hay có triển vọng phục hồi nhanh, các nhà đầu tư châu Á cũng được giới chuyên gia khuyến nghị nên đặt cược đầu tư vào các lĩnh vực như tiêu dùng không thiết yếu, ôtô, ngân hàng… Trong đó, kinh tế số được cho là kênh đầu tư đầy triển vọng bởi hứa hẹn phát triển nhanh tại châu Á sau đại dịch.
Việt Nam nhiều lợi thế hút vốn FDI
Việt Nam dù phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 2,58% trong năm 2021, song được cho là sẽ bật tăng mạnh mẽ trong năm nay bởi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng top đầu thế giới về tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine và đang khẩn trương triên khai tiêm mũi bổ sung (mũi 3) với mục tiêu hoàn thành trong quý I năm 2022 này.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đưa ra tháng 12-2021, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacquest Morisset cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng”. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%. Trong khi đó, ngân hàng HSBC lạc quan hơn khi cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% vào năm 2022. Tương tự, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể lên tới 6,8%. Ngân hàng HSBC cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm trước.
Một số chuyên gia cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, hạ tầng và đặc biệt là hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết trong thời gian vừa qua. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương có quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), sau khi sụt giảm trong năm 2020, dòng đầu tư toàn cầu đang có xu hướng hồi phục trong năm 2021. Dự kiến, năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mới, thì đầu tư toàn cầu sẽ trở về mức của năm 2019, tức là 1.500 tỷ USD. Trong đó, đầu tư vào châu Á, đặc biệt là một số quốc gia ASEAN, có thể đạt mức cao hơn năm 2020. Là “tâm điểm” đầu tư FDI của khu vực ASEAN, Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Hơn thế, quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có việc vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, cũng sẽ giúp Việt Nam “tăng điểm” trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư châu Á.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn Dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua cũng chịu sự tác động mạnh của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, chuyên gia ... |