Các tổ chức được đề nghị công an xác minh thông tin về dân cư là đúng hoặc sai, không được tiếp cận toàn bộ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho thành phố thí điểm thu phí dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Theo ông Chung, việc thu phí thực hiện khi cơ quan chức năng cung cấp dữ liệu dân cư cho các ngành như ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác. “Nếu được đồng ý thì mỗi năm thành phố sẽ thu trên 300 tỷ đồng”, Chủ tịch Hà Nội nói.
Trước đề xuất này, có một số ý kiến lo ngại như khi thu phí dịch vụ có thể dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân; dữ liệu dân cư là để phục vụ công tác quản lý, giúp công dân giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, không phải nhằm thu ngân sách...
Trả lời báo chí sau đó, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định dữ liệu được chia sẻ là thông tin trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân. Theo ông, thông tin đó không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, cơ quan hành chính, đơn vị công chứng… Việc chia sẻ này hoàn toàn đúng luật và thực tế với chứng minh thư thì người dân "đi đâu cũng phải xuất trình". Hơn nữa, đơn vị muốn có thông tin phải được phép thì mới truy cập.
"Đề xuất như vậy là đúng luật và có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho ngành kinh tế", ông Chung nói.
Thượng tá Trần Hồng Phú. |
Trao đổi với VnExpress xung quanh vấn đề trên, thượng tá Trần Hồng Phú, Cục phó Cục cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), Bộ Công an cho biết, việc thu phí ở đây chỉ áp dụng với các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan nhà nước... Đơn vị nào có yêu cầu chính đáng cần xác nhận thông tin về dữ liệu dân cư sẽ viết phiếu đề nghị và khi đó Bộ Công an, các địa phương sẽ xem xét theo thẩm quyền.
"Còn với người dân, khi khai thác thông tin để làm thủ tục hành chính sẽ không mất bất kỳ một khoản phí nào", ông Phú giải thích.
Thượng tá Phú cho biết thêm, "các tổ chức chỉ được gửi phiếu sang Bộ Công an đề nghị xác minh các thông tin về dân cư là đúng hoặc sai, không được tiếp cận toàn bộ dữ liệu Quốc gia về dân cư để phục vụ mục đích riêng, vì vậy sẽ không có việc lộ lọt thông tin cá nhân ra ngoài".
Hà Nội, Hải Phòng có thể được thu phí trước năm 2020
Theo đại diện C72, đơn vị đang phát phiếu thu thập thông tin về dân cư trên toàn quốc để xây dựng một trung tâm dữ liệu phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Dự kiến đến năm 2020, đơn vị hoàn thiện trung tâm và khi đó việc thu phí dịch vụ sẽ bắt đầu.
"Tuy nhiên có thể một số địa phương đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu này như Hà Nội, Hải Phòng với gần 10 triệu dân sẽ được thu phí trước", thượng tá Phú cho hay.
Theo quy định, Bộ Công an là cơ quan chủ trì xây dưng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quyền chia sẻ và thu phí dịch vụ, ngoài ra UBND tỉnh, huyện cũng được phép thu phí dịch vụ khai thác cơ sở dữ liệu này. Các khoản phí dịch vụ sẽ nộp về ngân sách nhà nước.
Nhìn nhận nội dung trên ở góc độ pháp lý, một số chuyên gia cho hay Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ tháng 1/2017 đã cho phép "thu phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", do vậy việc thu phí dịch vụ với loại hình này là có cơ sở.
"Phí ở đây là khoản tiền mà tổ chức phải trả nhằm bù đắp chi phí phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ công", một luật sư phân tích.
Người dân sẽ không bị thu phí dịch vụ khi khai thác dữ liệu Quốc gia về dân cư để làm thủ tục hành chính. Ảnh: Giang Huy |
Theo vị này, hiện mỗi công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ...). Khi tham gia giao dịch trong lĩnh vực nào thì công dân thường phải sử dụng giấy tờ của lĩnh vực đó.
Tới đây, khi hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành, người dân tham gia một dịch vụ nhất định sẽ không phải đem theo chứng minh thư và giấy tờ liên quan, chỉ cần cung cấp mã số cá nhân (số chứng minh thư hoặc căn cước theo quy định) để các đơn vị truy xuất trên mạng ra thông tin cần thiết.
"Thực hiện quy trình này, công dân không phải nộp phí, nhưng tổ chức như phòng công chứng, ngân hàng… muốn được truy xuất dữ liệu công dân thì phải trả phí", chuyên gia luật cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh tình trạng lạm quyền hoặc thất thoát nguồn thu, Chính phủ, Bộ Tài Chính phải có những văn bản dưới Luật hướng dẫn cụ thể mức thu, đối tượng thu phí và cả chế tài xử phạt với trường hợp, cơ quan tổ chức vi phạm.
Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì với mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2017 đến 2020.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích... |
Công an TP HCM sẽ thu thập thông tin cá nhân hàng triệu người Công an TP HCM tiến hành thu thập thông tin dân cư thông qua mẫu Phiếu thu thập đối với các hộ dân ở TP |
Lo ngại "mắt thần" Trung Quốc Bắc Kinh đã lắp đặt 170 triệu camera giám sát khắp nước và đặt mục tiêu lắp thêm 400 triệu camera trong 3 năm tới. |