Tuần trước, một số phương tiện truyền thông đưa tin Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống 25.000 người.

duc xac nhan viec my dang can nhac giam quan so don tru
Quân đội Mỹ hành quân qua một ngôi làng ở Đức, sau khi kết thúc một cuộc tập trận, tháng 4/2015. Ảnh tư liệu. (Nguồn: Stars and Stripes)

Ngày 10/6, Chính phủ Đức xác nhận Washington thông báo cho Berlin rằng Mỹ đang cân nhắc giảm số binh sỹ nước này đồn trú tại Đức.

Phát biểu với báo giới tại Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức, bà Ulrike Demmer cho biết: “Chính quyền Liên bang Đức được thông báo rằng Mỹ đang xem xét giảm sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước này tại đây.”

Theo người phát ngôn này, hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Đến nay, giới chức Mỹ chưa xác nhận thông tin cắt giảm quân số đồn trú tại Đức.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal (WSJ) cùng một số phương tiện truyền thông khác đưa tin Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống 25.000 người.

Kế hoạch này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của ông Trump đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu.

Một số chuyên gia lo ngại động thái của Mỹ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phản ứng về kế hoạch của Mỹ, Điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Peter Beyer cảnh báo "mối quan hệ Đức-Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng" bởi quyết định này của ông Trump.

Về phần mình, nghị sỹ Johann Wadephul, một thành viên cấp cao trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá kế hoạch của Mỹ giảm quân số đồn trú thể hiện "sự thờ ơ với nhiệm vụ lãnh đạo cơ bản" đồng thời càng cho thấy châu Âu cần tự chủ hơn về phòng thủ.

Cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu Ben Hodges cho rằng kế hoạch giảm quân số Mỹ đồn trú tại Đức sẽ là "một sai lầm lớn." Ông nêu rõ: "Quân Mỹ ở châu Âu không phải để bảo vệ Đức, mà là lực lượng của NATO được triển khai để bảo vệ tất cả các thành viên."

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức đã giảm mạnh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc gần 3 thập kỷ trước đây, song Đức vẫn là một trung tâm đồn trú quan trọng đối với quân đội Mỹ. Mỹ sử dụng các căn cứ tại Đức để điều phối các hoạt động quân sự ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông./.

duc xac nhan viec my dang can nhac giam quan so don tru Căn cứ đồn trú Mỹ giữa sa mạc Iraq

Căn cứ Ain al-Asad lớn đến mức nó có cả rạp chiếu phim, bể bơi, cửa hàng đồ ăn nhanh và hai tuyến xe buýt ...

/ www.vietnamplus.vn