Ông Hưng cho rằng, có khả năng khu vực đất yếu trước kia là cái đầm nước, ao được bồi lắng, đến khi khảo sát thì không phát hiện ra.

 

Xung quanh xôn xao vụ đường 250 tỷ đồng vừa hoàn thành đã nứt toác sau trận mưa, ngày 5/9, trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, Sở đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án 6 – Bộ GTVT đề nghị khẩn trương thực hiện việc khắc phục, đảm bảo giao thông trên tuyến đường tránh Chư Sê (Gia Lai).

Cùng ngày, nói về nguyên nhân khiến đoạn đường tránh qua thị trấn Chư Sê vừa hoàn thành đã sụt lún nghiêm trọng, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT cho biết, nguyên nhân chính ở đây là do điều tra địa chất chưa được đầy đủ dẫn đến thiết kế, thi công sai.

"Nhìn những hình ảnh báo chí đăng tải về đoạn đường tránh qua thị trấn Chư Sê có thể thấy con đường này đang bị biến dạng, mặt đường nứt toác như thế không phải hỏng từ trên mặt đường mà do biến dạng nền đường ở phía dưới.

Nguyên nhân chính khiến nền đường bị biến dạng là do điều tra địa chất không đúng dẫn đến quá trình thi công chưa đảm bảo sự ổn định của nền đường. Chỉ cần có mưa lớn là sẽ dẫn đến nền đường bị sụt lún như vậy", GS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết.

Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, đất ở Gia Lai hay một vài tỉnh trong miền Nam chủ yếu là đất sét nên khi trời mưa nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trượt nền đường. Khi thấy hiện tượng này, cơ quan chuyên môn phải kịp thời sửa chữa, tránh để lâu sẽ nguy hiểm cho người đi đường.

Đường tránh Chư Sê vừa nghiệm thu xong đã nứt toác, sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: BVPL

"Do nền đường đã bị trượt rồi nên cách khắc phục bây giờ là phải đập đi làm lại nhưng trước hết phải có biện pháp xử lý nền, phải đánh giá, khảo sát lại địa chất và thiết kế, thi công theo đúng kết quả khảo sát địa chất để tránh không bịt sụt lún tiếp khi gặp trời mưa", GS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết thêm.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cùng ngày, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục - nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù ông chưa đến đoạn đường đó nhưng về cơ bản, tình trạng sụt lún đường chủ yếu là do nền đường được làm trên đất yếu, không được xử lý kỹ về lớp móng.

"Còn để nói về trách nhiệm của bên thi công thì tôi nghĩ chỉ mang tính chất cục bộ chứ không quá nghiêm trọng như đối với những tuyết đường hư hỏng khác. Muốn khắc phục con đường này cần phải xem hệ thống thoát nước ở trong khu vực đó thế nào.

Có thể, trước khi làm con đường đó có người khảo sát địa chất nhưng người xử lý lại bỏ qua. Việc này vẫn cần điều tra địa chất cụ thể lại để có biện pháp khắc phục cho phù hợp", GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục chia sẻ thêm.

Được biết, Công ty Cổ phần 471 (TP Vinh, Nghệ An) là nhà thầu thi công đoạn đường này.

Ông Nguyễn Cao Thảo, Chỉ huy trưởng công trình cho biết: "Khi thi công chúng tôi thi công đảm bảo chất lượng. Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu. Khi chúng tôi thi công thời tiết đang vào mùa khô, bằng trực quan bên ngoài thì cũng không có khó khăn gì".

Nhiều vết nứt lớn cắt ngang cũng xuất hiện trên mặt đường. Ảnh: BVPL

Nói về việc này, cùng ngày, theo thông tin trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) cho biết, vào chiều ngày 3/9, ông đã yêu cầu đơn vị thi công tổ chức rào chắn điểm dẫn vào đoạn đường này để tránh xảy ra rủi ro tai nạn mà người tham gia giao thông có thể gặp phải.

Sau khi kiểm tra hiện trường xác định khoảng từ 120 đến 150m đường bị hư hỏng. Trong đó, phần chính bị tụt thẳng đứng xuống khoảng 30 đến 40m, kéo theo các phạm vi khác tụt theo.

"Đoàn nghi ngờ phần mặt đường bị tụt 30 đến 40m là phạm vi của túi đất yếu. Đất yếu tụt xuống kéo theo phạm vi ảnh hưởng tụt nền đường xuống, gây hiện tượng nứt, tụt thẳng xuống.

Có khả năng khu vực đất yếu trước kia là cái đầm nước, ao được bồi lắng, đến khi khảo sát thì không phát hiện ra" - ông Hưng nói và loại trừ khả năng do công trình kém chất lượng vì từ đầu đến cuối tuyến đường đều ổn, chỉ duy nhất một vị trí này bị hư hỏng.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài hơn 10,8 km. Công trình khởi công từ giữa tháng 5-2018 và mới hoàn thành vào tháng 6-2019.

Công trình này chưa nghiệm thu, chưa bàn giao, đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Chiều 5/9, Bộ GTVT phát đi thông cáo báo chí về sự cố hư hỏng, sụt lún nền mặt đường đoạn Km10+200 - km10+330 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

 

 

“Hiện trên toàn tuyến, qua kiểm tra tổng thể, ngoại trừ 130m sụt lún nêu trên, các phạm vi còn lại trên dự án vẫn ổn định đảm bảo yêu cầu. Ngày 5/9, Bộ GTVT tiếp tục có công điện yêu cầu Ban Ban quản lý dự án 6 chủ trì phối hợp với tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường trên toàn tuyến, đánh giá xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời những hư hỏng, đảm bảo ổn định công trình, báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện trước ngày 10/9/2019.

 

Bộ GTVT cũng giao Ban Ban quản lý dự án 6 phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua có giải pháp bảo vệ công trình, phân luồng giao thông kịp thời tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT (nếu có)”, thông cáo nêu.

Thu Hoài

Công trình tiền tỷ ở Quảng Trị nứt toác sau 1 tháng sử dụng

"Công trình chỉ hư hỏng phần bậc cấp, còn phần móng vẫn đảm bảo nên không có chuyện đổ sập", chủ đầu tư nói và cam ...

Đường 250 tỷ chưa bàn giao đã nứt toác hàng trăm mét

Có mức đầu tư 250 tỷ đồng và vừa mới hoàn thành, nhưng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia ...

Ngôi trường ở thủ đô bị sụt lún, phòng học nứt toác

Hai dãy nhà ba tầng ở trường THPT Trương Định xuất hiện nhiều khe nứt rộng hơn 10 cm, 22 phòng học đều có mảng ...

/ baodatviet.vn