Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn đã tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Quảng Ninh dự kiến 179.126 tỷ đồng.
- Đường sắt Sài Gòn mở bán vé tàu chạy thường xuyên trong, sau Tết Dương lịch
- Hà Nội mở rộng quy hoạch thêm 5 tuyến đường sắt đô thị
Liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - (Liên danh Tư vấn TRICC - TEDI) vừa hoàn thành lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Theo đó, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (quy hoạch) được lập cho thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là đường sắt cấp I, khổ 1.435mm, điện khí hóa; trong ngắn hạn là đường đơn, trong dài hạn là đường đôi.
Tuyến có điểm đầu là ga Lào Cai (tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc) và điểm cuối là ga Hạ Long (thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long). Tổng chiều dài tuyến khoảng 427km bao gồm 41 ga trên tuyến.
Tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Quảng Ninh dài hơn 400km, đi qua 10 tỉnh, thành phố |
Theo tư vấn, dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa mạng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh vào năm 2030 khoảng 12,7 triệu tấn; nhu cầu vận tải hành khách khoảng 4,65 triệu hành khách. Năm 2040, dự kiến khoảng 14,9 triệu tấn hàng hóa và 6,2 triệu hành khách. Năm 2050 dự kiến khoảng 17,5 triệu tấn hàng hóa và 8,3 triệu hành khách.
Từ đây, định hướng quy hoạch năng lực tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải về hàng hóa là 18 triệu tấn/năm và hành khách là 15 triệu khách/năm.
Trên tuyến cũng xây dựng các điểm trung chuyển tại các ga có tích hợp với trong mạng lưới giao thông công cộng thành một thể thống nhất, thuận tiện trong vận chuyển hành khách.
Trong vận chuyển hàng hóa, các ga được kết nối vào khu vực cảng biển được xác định là cầu nối giao thông - nơi tập trung, giao lưu của tất cả các phương tiện vận tải: đường sắt, đường sông, đường bộ, đường biển và cả đường không.
Cùng đó, quy hoạch các tuyến đường sắt để kết nối hệ thống cảng cạn và cảng biển, từ đó kết nối các phương thức vận tải thành một thể thống nhất phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng container.
Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn đã tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư tuyến đường sắt này dự kiến 179.126 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất lộ trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên: Đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đối với đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Các giải pháp để triển khai thực hiện quy hoạch cũng được đề xuất. Về huy động vốn, cần ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch.
Sử dụng vốn vay ưu đãi, đây là nguồn lực mang tính đột phá trong lĩnh vực đường sắt cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, miền.
Với nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tham gia đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải như kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ... Cùng với đó, cần lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt.