Dù Liên Minh châu Âu (EU) thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt Nga, quyết tâm giảm nhập khí đốt vào năm 2027 nhưng hiện tại khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga vẫn là nguồn nhập khẩu chính của EU.

Nhập tới 1,75 triệu tấn khí đốt

Theo tờ Pravda (Ukraine), gần hai năm sau khi phương Tây áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, các nước châu Âu không những âm thầm nhập khẩu LNG ở Bắc Cực của Nga mà còn nhập với khối lượng lớn. 

Nguồn cung khí đốt tự nhiên hoá lỏng của Nga sang châu Âu đạt mức cao tính theo tháng - đó là 1,75 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung sang Trung Quốc lại giảm.

eu-dat-muc-tieu-giam-khi-dot-1702109679559448550801
EU đặt mục tiêu giảm dần nhập khí đốt từ Nga vào năm 2027.

Trang tin tức "Нigh North News" dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) chỉ ra: "Tính đến nay, EU chưa áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với việc nhập khẩu LNG. Do đó, châu Âu vẫn là điểm đến của 50% lượng xuất khẩu LNG của Nga tương đương 1 tỷ USD, vượt cả lượng xuất khẩu của Mỹ sang EU.

Cũng theo báo cáo từ CREA, doanh thu từ xuất khẩu LNG của Nga đã tăng đột biến, một phần là vì EU không trừng phạt Nga ở lĩnh vực này.

Từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023, một nửa lượng xuất khẩu LNG của Nga, tổng trị giá 8,3 tỷ euro, được hướng tới thị trường EU.

Hiện đang có hàng chục nước châu Âu mua LNG của Moscow. Trong đó, các nhà nhập khẩu chính là Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp, chiếm gần 88% lượng nhập khẩu LNG từ Nga sang EU trong 10 tháng qua.

Tạo điều kiện cho xuất khẩu khí đốt của Nga

Theo High North News, hàng năm, các cảng của EU nhận được hơn 200 chuyến hàng từ cơ sở sản xuất LNG Yamal của Nga. Khối lượng LNG nhập khẩu hiện nay nhiều đáng kể, vượt qua các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác của nước này.

LNG của Nga chủ yếu được sản xuất tại nhà máy Yamal LNG ở Bắc Cực. Bên cạnh đó, dự án thứ hai, Arctic LNG 2, sẽ được triển khai trong vài tuần tới nên khả năng nhập khẩu của EU có thể còn tăng hơn nữa vào năm 2024.

Không chỉ vậy, EU cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển LNG của Nga cho khách hàng bên ngoài châu Âu.

Hơn 20% LNG thuộc cơ sở Yamal đi qua các bến cảng ở châu Âu, từ đây nhiên liệu được chuyển từ các tàu chuyên dụng có khả năng phá băng sang tàu chở LNG thông thường để vận chuyển tới những điểm đến tiếp theo.

Trong đó, một trung tâm quan trọng là cảng Zeebrugge (Bỉ), nơi Fluxys, nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt tự nhiên, vận hành một trạm lưu trữ và tái hóa khí.

Năm 2015, công ty này đã ký thỏa thuận lưu trữ dài hạn đến năm 2035 với nhà sản xuất khí đốt hàng đầu của Nga Novatek.

Các công ty châu Âu cũng vẫn tham gia vào hoạt động của đội tàu chở dầu LNG của Novatek. Bên cạnh đó, Assuranceforeningen Skuld - một công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại Oslo, của Na Uy tiếp tục cung cấp bảo hiểm và bồi thường cho ba trong số các tàu chở dầu LNG vận chuyển LNG giữa thị trường Bắc Cực và châu Âu.

Các quốc gia châu Âu hiện chưa bình luận về các thông tin trên.

Để trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, EU đã áp nhiều gói trừng phạt trên nhiều lĩnh vực với Nga. Với khí đốt, EU chưa áp các lệnh trừng phạt nhưng đã đặt mục tiêu cho khối là giảm dần nhập khẩu từ Moscow vào năm 2027.

Tuy vậy, hiện nay, một số nước EU như Hungary và Áo tiếp tục mua khí đốt qua đường ống từ Nga, trong khi các nước khác như Tây Ban Nha và Pháp mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Moscow.

Trang Trần / Báo Giao thông