Dự thảo về việc EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng 1 – 5% khiến nhiều người dân bất ngờ và không đồng tình.

Anh Huy Hùng - một độc giả tại Đông Anh (Hà Nội) băn khoăn với nhiều câu hỏi: “Điện là ngành độc quyền, nay lại cho quyền tự quyết điều chỉnh giá nữa thì việc kiểm soát sẽ thế nào? Liệu có đảm bảo hiệu quả và công bằng? Nếu không kiểm soát chặt thì việc điều chỉnh giá điện sẽ có thể diễn ra thường xuyên hơn, gây khó cho người tiêu dùng. Chi phí đầu vào tăng thì được tăng giá điện, nhưng lúc chi phí giảm thì liệu có chủ động đề xuất giảm giá điện hay không? Trên thực tế, tôi chỉ thấy giá điện ngày một đắt lên”, anh Hùng nói.

Anh Hùng cũng thắc mắc, không chỉ riêng ngành điện thua lỗ vì giá đầu vào tăng cao. Nhưng tại sao chỉ mỗi ngành điện được đặc quyền đó?

EVN được tự quyết tăng giá điện: Nhiều người không đồng tình - 1

Nhiều người không đồng tình với đề xuất được quyền tự quyết tăng giá điện của EVN. (Ảnh minh họa: Báo Đắk Lắk)

Độc giả có nickname hoalan198...nêu ý kiến, nếu muốn mọi người không băn khoăn, thắc mắc về đề xuất này thì EVN cần giải trình rất minh bạch việc thua lỗ ra sao và cần phải có cơ quan kiểm toán vào cuộc xác minh. “Không thể chỉ nói qua loa về tình trạng thua lỗ rồi đề xuất tăng giá điện cả. Việc trả tiền điện là nghĩa vụ của người dân. Do đó, người dân cũng có quyền lợi được giải trình chi tiết để ai cũng hiểu được bản chất vấn đề", độc giả này nói.

Anh Hoàng Ngọc T., 31 tuổi, thuê nhà tại khu vực Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện anh đang ở nhà thuê, chủ cho thuê tính giá điện khoảng 3.800 đồng/kwh. Biết là cao nhưng anh T. vẫn phải chịu đựng nhiều năm nay không biết kêu ai.

“Tôi còn biết một số người bạn của tôi bị tính giá điện hơn 4.000 đồng/kwh khi thuê nhà. Nếu giá điện lại tăng, các chủ thuê lại lấy cớ tăng thêm tiền điện sinh hoạt thì càng khó sống. Chi phí sinh hoạt, ăn uống từ sau dịch đến giờ cái gì cũng tăng, bây giờ đến giá điện còn tăng nữa trong khi đồng lương chỉ có vậy, không tăng thêm đồng nào thì thật khó khăn", anh T. thở dài.

“Sau cùng chỉ có người dân lao động, công nhân, viên chức sống chỉ dựa vào đồng lương cố định là chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Giá điện tăng rồi lại kéo theo các hàng hóa nhu yếu phẩm, giá phòng trọ lại tăng theo, trong khi lương thì cứ đứng im tại chỗ. Chúng tôi lại phải thắt lưng buộc bụng và mọi nhu cầu tối thiểu nhất cũng phải chi tiêu hạn chế", chị Thu Thảo, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) kết luận.

Đề xuất của EVN cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng trước việc giá điện có thể thường xuyên thay đổi. Giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu ngành đồ uống ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế đều phụ thuộc vào giá điện. Nếu giá điện tăng thì hầu hết giá sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo. Như vậy doanh nghiệp đã khó khăn vì giá đầu vào phi mã thì nay càng thêm khó khăn. Điều này có thể góp phần gây nên lạm phát. Theo tôi, nếu những ngành khác đều đang cố gắng kiềm chế tăng giá bằng nhiều cách khác nhau thì ngành điện cũng nên làm theo, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và kiềm chế lạm phát".

Từ năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá điện trong nước tăng 8 lần, giá bình quân từ 1.058 đồng/kwh lên 1.864,44 đồng/kwh (vào năm 2019), mức giá này vẫn áp dụng cho đến năm 2022. Mà theo tính toán của EVN, với chi phí đầu vào hiện nay, giá điện năm 2022 phải ở mức 1.915,59 đồng/kWh, cao hơn khoảng 2,74% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Chính vì vậy, EVN vừa có đề xuất được điều chỉnh giá điện khi chi phí đầu vào tăng trên 1%. Nhưng thông tin này gây nhiều ý kiến trái chiều của người tiêu dùng. 

Theo dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

So với Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng, đây là điểm mới đáng chú ý vì trước đây giá bán lẻ điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên.

Tương tự, khi các thông số đầu vào trên biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân cũng được điều chỉnh giảm ở mức tương ứng nhưng không thấp hơn mức giá tối thiểu của khung giá. Cùng đó, EVN điều chỉnh giảm giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

https://vtc.vn/evn-duoc-tu-quyet-tang-gia-dien-nhieu-nguoi-khong-dong-tinh-ar703165.html

Hạo Nhiên / VTC News