Tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực, đưa ra cam kết tiếp tục đóng góp cho chương trình tiêm chủng của thế giới năm 2022 nhằm chấm dứt giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19 cũng như lời cảnh báo với Nga về việc tấn công Ukraine là những điểm nhấn của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thành phố Liverpool của Anh.

Diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Anh Liz Truss trong 3 ngày, Hội nghị chính thức bế mạc ngày 12/12. Đây cũng là sự kiện lớn cuối cùng do Anh tổ chức trong năm 2021 với tư cách Chủ tịch luân phiên của Nhóm G7, gồm các nước Anh, Canada, Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Hội nghị tập trung thảo luận nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, bình đẳng giới đến thịnh vượng và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố sau Hội nghị, Ngoại trưởng Liz Truss nhấn mạnh đến nguy cơ từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh cho biết Nhóm G7 đã đóng góp 657 triệu liều vaccine cho thế giới kể từ Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 ở Cornwall, Anh. G7 cũng cam kết cùng hợp tác nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng vaccine thông suốt, mở rộng sản xuất vaccine tại nhiều khu vực trên thế giới, đảm bảo phân phối công bằng, minh bạch và đúng hạn các loại vaccine có chất lượng cũng như các phương pháp chẩn đoán, điều trị COVID-19 và các sản phẩm y tế khác.

G7 đưa ra hàng loạt cam kết trong nhiều lĩnh vực toàn cầu -0

Ngoại trưởng các nước G7 và khách mời tham dự sự kiện trực tiếp tại Liverpool. Ảnh AP.

Liên quan đến biến đổi khí hậu, các Ngoại trưởng G7 hoan nghênh thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và thừa nhận nguy cơ nghiêm trọng về an ninh do biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái suy thoái gây ra đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo và dễ bị đe dọa nhất. Các Ngoại trưởng cam kết tiếp tục hợp tác thúc đẩy và tăng cường hành động nhằm đảm bảo đạt mục tiêu giữ mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C trước Hội nghị COP27 vào năm sau.

Ngoài ra, các nước G7 cũng đưa ra tuyên bố liên quan đến điểm nóng Nga-Ukraine. “Nga nên xác định rõ rằng bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Ukraine cũng sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề và phải trả cái giá đắt”, G7 nhấn mạnh, đồng thời tái khẳng định “cam kết kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào trong việc được quyết định tương lai của chính mình”. “Chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ theo các cam kết quốc tế về các hành động quân sự”, tuyên bố của G7 nhấn mạnh.

Đại sứ quán Nga tại London tối 11/12 đưa ra tuyên bố rằng việc Anh thường xuyên sử dụng cụm từ “sự gây hấn của Nga” trong cuộc họp tại Liverpool dễ gây hiểu lầm. “Nga đã đưa ra nhiều đề nghị với NATO về các cách giảm căng thẳng. Diễn đàn G7 có thể là cơ hội để thảo luận về những biện pháp này, nhưng cho đến nay, chúng tôi không nghe thấy gì ngoài những khẩu hiệu gây hấn”, Đại sứ quán Nga cho biết. Tình báo Mỹ đánh giá rằng Nga có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công nhiều mặt vào Ukraine vào đầu năm tới, với sự tham gia của 175.000 quân. Điện Kremlin phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine và cho rằng phương Tây bị mắc “chứng sợ hãi Nga”. Về phần mình, Moscow cho rằng sự mở rộng của NATO đe dọa Nga và những binh sĩ của họ chỉ ở trong tâm thế phòng thủ.

Liên quan đến lĩnh vực hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Truss cho biết G7 tái khẳng định sự ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tuân thủ luật pháp quốc tế tại khu vực Đông Nam Á. Các nước G7 cam kết tiếp tục cung cấp vaccine an toàn, hiệu quả, giá thành phù hợp cho các nước ASEAN, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cộng đồng, tăng cường khả năng cảnh báo sớm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho các nước trong Hiệp hội. Các nước ASEAN và G7 nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó COVID-19, thúc đẩy phục hồi toàn diện, củng cố và ổn định chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đầu tư công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên các quốc gia ASEAN dự Hội nghị G7, động thái được xem là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của G7 đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

Hội nghị tại Liverpool là lần thứ hai các Ngoại trưởng G7 nhóm họp trong năm nay, sau cuộc gặp hồi tháng 5 tại London, Anh. Hội nghị được xem là cuộc gặp “làm quen” của bà Annalena Baerbock, Ngoại trưởng mới của Đức, nước sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên G7 vào năm tới, đồng thời là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại Anh, khiến nước chủ nhà áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt trong khuôn khổ Hội nghị.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 12/12 tham gia Hội nghị theo hình thức trực tuyến. Tại đây, Bộ trưởng đề nghị G7 ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm bảo đảm Biển Đông là vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đồng thời triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Tiến Dũng

G7 sẽ sớm quyết định công nhận hay trừng phạt Taliban G7 sẽ sớm quyết định công nhận hay trừng phạt Taliban
Anh thúc giục G7 áp trừng phạt Taliban Anh thúc giục G7 áp trừng phạt Taliban
Trung Quốc đối mặt áp lực chưa từng có từ G7 Trung Quốc đối mặt áp lực chưa từng có từ G7

/ cand.com.vn