Các lãnh đạo G7 sẽ đàm phán khủng hoảng cháy rừng Amazon cuối tuần này tại Pháp, trong khi quốc tế đang nỗ lực buộc Brazil thay đổi chính sách phá rừng.
Một người đàn ông đang cố dập cháy trong rừng Amazon ở Iranduba, bang Amazonas, Brazil hôm 20/8. Ảnh: Reuters. |
Cuộc họp dự kiến diễn ra tại Biarritz, thị trấn tây nam nước Pháp vào tối 24/8. Pháp, Ireland dọa sẽ chặn thỏa thuận thương mại tự do Mercosur giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Nam Mỹ nếu chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.
Tổng thống Pháp Macron nói rằng cháy rừng đã tạo ra khủng hoảng quốc tế, tuyên bố sẽ đẩy vấn đề lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại G7. Trả lời phỏng vấn tối 23/8, ông cho rằng Amazon cần quản lý tốt hơn để chấm dứt tình trạng "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra tại rừng mưa nhiệt đới.
"Chúng ta cần tìm cách quản lý rừng Amazon tốt hơn, nghĩa là cần làm việc với các tổ chức phi chính phủ và người dân địa phương có liên quan nhiều hơn, chúng ta cần ngăn chặn nạn phá rừng công nghiệp đang diễn ra khắp nơi", ông nói.
Nhiều quốc gia EU cũng đang gây sức ép lên Brazil. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, người đầu tiên kêu gọi dừng thỏa thuận hôm 23/8, cho rằng Bolsonaro đang nỗ lực đổ trách nhiệm cháy rừng cho nhóm bảo vệ môi trường Orwellian.
Chính phủ Phần Lan, chủ tịch EU, kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét nhiều hạn chế thương mại hơn. Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Mika Lintila "lên án việc hủy hoại Amazon và kêu gọi Phần Lan, EU xem xét khẩn trương khả năng cấm nhập khẩu thịt bò Brazil".
Boris Johnson, người tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 lần đầu với tư cách thủ tướng Anh, cho hay "quan ngại sâu sắc" tới cháy rừng Amazon. Jeremy Corbyn, lãnh đạo phe đối lập ở Anh, ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bolsonaro bởi "đã cho phép và khuyến khích cháy rừng diễn ra".
Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ thảo luận vấn đề này tại G7. "Phạm vi cháy rừng Amazon đang gây sốc và gây đe dọa không chỉ Brazil và những quốc gia bị ảnh hưởng khác, mà còn liên quan tới cả thế giới", phát ngôn viên Thủ tướng Đức Steffen Seibert phát biểu hôm 23/8 tại Berlin.
Seibert nói rằng Mercosur bao gồm những cam kết chặt chẽ và ràng buộc về môi trường và phát triển bền vững, nhưng không nói Đức sẽ làm gì nếu Brazil vi phạm những cam kết này.
Bolsonaro hôm qua khẳng định Brazil không đáng bị trừng phạt vì cháy rừng."Cháy rừng diễn ra trên toàn thế giới và không thể sử dụng nó làm cái cớ cho trừng phạt quốc tế", ông nói, cho hay "một số quốc gia" sẽ bảo vệ Brazil tại hội nghị G7.
Tổng thống Brazil cũng ra sắc lệnh huy động quân đội dập cháy rừng. Từ 23/8, các lực lượng vũ trang Brazil sẽ triển khai tới những khu vực bị ảnh hưởng ở Amazon để dập cháy trong một tháng. Trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị giúp đỡ Brazil dập cháy rừng, đồng thời cho hay triển vọng thương mại của hai nước "đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Ảnh vệ tinh các khu vực Nam Mỹ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng Amazon. Ảnh: Geospatialworld. |
Hỏa hoạn ở khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình. Tại Brazil, các cuộc biểu tình phản đối chính sách môi trường của chính phủ được lên kế hoạch tổ chức ở 40 thành phố hôm 23/8. Trước đại sứ quán và lãnh sự quán Brazil ở một số thủ đô các nước châu Âu, người dân cũng tụ tập phản đối chính sách môi trường của Brazil, yêu cầu Bolsonaro từ chức.
Theo AFP, 76.720 vụ cháy được ghi nhận ở Brazil từ đầu năm tới nay, con số cao nhất từ năm 2013 và hơn một nửa số vụ cháy xảy ra ở Amazon. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây cháy do nạn phá rừng gia tăng để lấy đất trồng trọt hoặc chăn thả, hậu quả được thúc đẩy bởi chính sách phát triển kinh tế của Tổng thống Bolsonaro. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Bolsonaro nhiều lần nói rằng ông tin Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì mục đích kinh doanh, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản và nông nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Hồng Hạnh (Theo Guardian/AFP)