Theo tuyên bố chung được công bố vào ngày 5-11, Bộ trưởng ngoại giao của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) và ba đồng minh chủ chốt đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về việc triển khai lực lượng quân sự của Triều Tiên tại Nga và đang nỗ lực đưa ra "phản ứng phối hợp".

g7.png
Các quốc gia G7 dự Hội nghị thượng đỉnh tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia ở Savelletri, Italia. Ảnh: Bloomberg

Bên cạnh các thành viên G7, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Italia, Anh, Đức, Pháp, Canada và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố cũng có sự tham gia của Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

"Hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới Nga. Việc Triều Tiên trực tiếp hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, sẽ đánh dấu sự mở rộng nguy hiểm của cuộc xung đột, với hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả những nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên hợp quốc", tuyên bố viết.

Các nhà ngoại giao đã lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể" việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mátxcơva và Bình Nhưỡng; đồng thời, bày tỏ quan ngại về khả năng chuyển giao công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo hoặc hạt nhân từ Nga sang Triều Tiên.

"Chúng tôi tái khẳng định cam kết không lay chuyển của mình trong việc hỗ trợ Ukraine bảo vệ tự do, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác quốc tế để có phản ứng phối hợp trước diễn biến mới này", tuyên bố nêu rõ.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, Bình Nhưỡng đã triển khai 11.000 quân tới tỉnh Kursk của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cũng xác nhận rằng, cuộc đụng độ đầu tiên giữa lực lượng vũ trang Ukraine và binh sĩ Triều Tiên đã diễn ra ở tỉnh Kursk. Theo Tổng thống Ukraine, Nga đã xác nhận với phương Tây về sự tham gia của lực lượng Triều Tiên trong cuộc chiến.

 

Kim Phượng / HNM