"Thà hy sinh chứ không thể mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc linh thiêng" - lời nói cuối cùng của thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, là động lực tiếp thêm sức mạnh cho những cựu binh còn sống hôm nay
Ký ức Gạc Ma
17 cựu binh và thân nhân liệt sĩ trên chuyến tàu HQ604 trong trận chiến đã tề tựu về bãi biển Thiên Cầm, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 13-3 để tổ chức lễ cúng vong linh tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 30 năm về trước.
Nỗi đau khôn nguôi
"30 năm trước, chúng ta mỗi người một quê lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi may mắn được trở về nhưng các anh, các đồng chí mãi nằm lại trên hòn đảo đó. Trong tâm trí mỗi đồng đội và thân nhân của các đồng chí, các anh là bất diệt" - cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, trưởng ban liên lạc, nghẹn ngào khấn trước bàn thờ.
Trong phút giây linh thiêng, 17 cựu binh, thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... cùng những người đến tham dự thành kính hướng mắt về bàn thờ chung 64 liệt sĩ đang nghi ngút khói hương. Trên những gò má đen sạm vì nắng gió và cả nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi mỗi khi tên một liệt sĩ được cất lên.
Cựu binh Nguyễn Thanh Xuân (55 tuổi; quê Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) năm nào cũng cùng đồng đội tổ chức lễ tế vong linh, thả hoa đăng và thả vòng hoa màu cờ Tổ quốc để tưởng nhớ những đồng đội đã mãi nằm lại giữa biển khơi.
Ông Nguyễn Thanh Xuân nhìn về phía ngoài khơi để tưởng nhớ đồng đội
Cựu binh Xuân nhớ lại: Khoảng đầu năm 1987, ông lên đường nhập ngũ vào lính Hải quân. Sau 3 tháng huấn luyện ở Đà Nẵng, ông cùng đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh - Khánh Hòa lên 3 tàu HQ604, HQ605, HQ505 ra Trường Sa xây dựng, bảo vệ biển đảo.
Ba con tàu vận tải nhận nhiệm vụ lặng lẽ rời đất liền trực chỉ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... Trên tàu lúc này chủ yếu là lính công binh, lính hải đồ mang theo cuốc, xẻng cùng vật liệu xây dựng ra đảo. Ngày 13-3, khi 3 con tàu vừa thả neo cạnh đảo Gạc Ma thì 3 tàu chiến Trung Quốc được trang bị vũ khí áp sát. Trung tá Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - lúc đó nhắc anh em tuyệt đối "án binh bất động", chờ chỉ thị, viện trợ từ Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
"Trong màn đêm đặc quánh giữa biển khơi, mỗi người đều lo lắng và có tâm tư riêng song anh em trên tàu vẫn nói chuyện. Để phá vỡ không khí nặng nề, đồng chí Hoàng Anh Đông vừa đệm đàn vừa cất lên tiếng hát. Bài hát buồn, nhiều người bật khóc nhưng vì Tổ quốc, chúng tôi lại cầm tay nhau, động viên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ" - cựu binh Xuân nhớ lại.
Sau một đêm mất ngủ vì hồi hộp và lo lắng, hơn 6 giờ ngày 14-3, khi các chiến sĩ đang kéo thuyền đưa vật liệu vào đảo, làm nơi cắm cờ Tổ quốc thì phía bên kia, lính Trung Quốc cũng thả xuồng mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma.
Lúc này, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, cùng một số chiến sĩ đứng ra chặn tốp lính Trung Quốc thì bất ngờ một loạt đạn khô khốc vang lên hướng về các anh. Nhiều người ngã gục. Còn chút sức lực cuối cùng, thiếu úy Phương cố vươn tay nắm chặt cờ Tổ quốc rồi hô to: "Thà hy sinh chứ không thể mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc linh thiêng".
Sau loạt đạn tàn khốc từ phía tàu chiến Trung Quốc, tàu HQ604 bốc cháy rồi từ từ chìm xuống biển. Ông Xuân cùng nhiều chiến sĩ bị trúng đạn, dù bị thương vẫn cố gắng bám lấy những tấm ván từ chiếc tàu đã vỡ lênh đênh trên biển rồi sau đó bị lính Trung Quốc phát hiện, bắt giữ.
"Mi chết mô mà chết, Cương hè!"
Sau trận chiến không cân sức đó, gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân cũng như những đồng đội khác đều nhận được giấy báo tử. Tất cả chìm trong tang tóc, đau thương. Trong mỗi ngôi nhà của từng người lính, bàn thờ đã nghi ngút khói hương, chẳng ai còn có thể nghĩ tới ngày các anh trở về.
Lễ cúng vong linh và thả vòng hoa tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma
Khi bị bắt đem về làm tù binh tại một trại giam thuộc bán đảo Lôi Châu, ông Xuân biết được 9 đồng đội của mình vẫn còn sống và mỗi người đang bị nhốt một góc. Tất cả đều bị thương.
"Bị giam giữ nơi đất khách quê người, tất cả mọi liên lạc đều bị ngăn cách bởi bốn bức tường lạnh buốt, có nhiều lúc tôi đã suy nghĩ những chuyện chẳng lành. Nhưng còn sống là còn hy vọng nên tôi vẫn luôn tự động viên hãy cố gắng lên để có một ngày trở về quê hương, dù đó chỉ là niềm hy vọng nhỏ nhoi" - ông Xuân trầm buồn kể lại.
Tháng 8-1991, những chiến sĩ Hải quân Việt Nam được trao trả về nước. Ngày đoàn tụ gia đình, mọi người ôm chầm lấy nhau khóc. Trong những giọt nước mắt mừng tủi ngày hội ngộ có cả những giọt nước mắt xót thương cho những đồng đội đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo quê hương.
Ông Xuân tâm sự: "Hằng năm, cứ tới tháng 3, nỗi nhớ những đồng đội lại ùa về trong mỗi chúng tôi. Không biết lấy gì lấp đầy những mất mát đó, chúng tôi chỉ biết cùng nhau làm lễ cúng vong linh đồng đội, thả những ngọn đèn, vòng hoa để tri ân các anh".
Đối với gia đình ông Đào Công Cán (54 tuổi; anh trai của liệt sĩ Đào Kim Cương ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), những ngày sau khi nhận được giấy báo tử của em trai mình là chuỗi ngày khó khăn của gia đình. Mẹ ông nhiều đêm vì thương nhớ con đã nói trong cơn mê: "Cương ơi! Con vẫn còn sống mà phải không con? Con đang làm nhiệm vụ cho Tổ quốc linh thiêng Cương hè. Mi chết mô mà chết, họ sai rồi Cương hè!".
"Đã 30 năm rồi, em tôi mãi nằm lại nơi biển khơi nhưng nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhất là hằng năm đồng đội nó cũng thăm hỏi, động viên gia đình; làm lễ, thả đèn để tưởng nhớ. Điều này đã làm cho tôi cũng như gia đình thấy ấm lòng" - ông Cán xúc động nói.
Kỳ tới: Cựu binh ngày trở về
Chiến sĩ Gạc Ma mãi mãi trong lòng đồng đội 20 cây bàng vuông được chuyển từ đảo Trường Sa về trồng tại khuôn viên Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma từ tháng 6.2017 ... |
30 năm Gạc Ma: Không bao giờ quên lãng… “Có những lần, chúng tôi ngồi kể chuyện cho nhau nghe về cái đêm cuối cùng trước khi hải chiến Gạc Ma diễn ra, chuyện ... |