Những người lính tham gia trận hải chiến Gạc Ma 29 năm về trước kể lại, họ đã phải dùng các hộp đạn ghép làm hòm rồi khâm liệm và án táng thiếu úy Trần Văn Phương ngay trên đảo Sinh Tồn.
Dùng hộp đạn khâm liệm người lính hy sinh
Chúng tôi tìm về vùng đất Quảng Trị anh hùng vào những ngày tháng 3 lịch sử. Cũng gần vào dịp này của 29 năm về trước (14/3/1988), Trung Quốc đã nổ súng sát hại 64 chiến sĩ của lực lượng Hải quân Việt Nam.
Gạc Ma tháng 3/1988 đối với hai cựu binh là anh Trần Quang Dũng (SN 1966) và Trần Xuân Bình (SN 1970), cùng trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là những dòng kí ức chẳng thể nào quên.
Trò chuyện với chúng tôi, cựu binh Trần Quang Dũng phóng đôi mắt nhìn về phía biển và bồi hồi nhớ lại: "Ngày 12/3/1988, anh em chúng tôi lên tàu HQ.604 đi ra làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa. Chiều 13/3/1988 tàu của tôi cùng tàu HQ.605 và HQ.606 đến Gạc Ma.
Khoảng 5h ngày 14/3, tôi và anh Bình là hai người dân biển Quảng Trị, bơi giỏi nên được giao nhiệm vụ vào đảo Gạc Ma cắm cờ. Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi mang theo xà beng cùng cây dương bơi lên đảo để cắm cờ và cắm cọc buộc dây từ tàu vào đảo.
Sau đó, thiếu úy Trần Văn Phương (quê ở Quảng Bình) cùng một số đồng đội nữa lần lượt vào và vây quanh bảo vệ lá cờ Tổ quốc vừa được cắm lên Gạc Ma.
Không lâu sau đó, từ phía xa tàu Trung Quốc xuất hiện. Bọn chúng chia nhau lên ca nô rồi lái vào đảo. Hai bên đều nói Gạc Ma là chủ quyền của mình và buộc phía bên kia rời khỏi đảo.
Đã 29 năm trôi qua nhưng anh Dũng và anh Bình chẳng thể nào quên được những câu nói cuối cùng của đồng đội trước lúc hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: Trần Anh)
Sau hồi tranh luận, bất ngờ lính Trung Quốc tiến đến dùng lưỡi lê đâm vào anh Nguyễn Duy Lân rồi chúng bắt đầu nổ súng. Ở loạt đạn đầu tiên, thiếu úy Phương đã gục xuống và hi sinh bên cạnh lá cờ Tổ quốc”.
Khi tiếng súng ngưng, anh Dũng cùng đồng chí của mình là anh Trần Xuân Bình cố gắng đưa thiếu úy Trần Văn Phương (lúc này đã hi sinh) cùng hơn 30 người lên chiếc xuồng cao su rồi lênh đênh trên biển
Sau khoảng thời gian lênh đênh trên biển, những người lính Gạc Ma may mắn gặp tàu tiếp nước của quân ta và đưa về đảo Sinh Tồn. Khi ấy mọi người mới biết là mình thoát chết.
Khẽ lau giọt lệ còn đang lăn dài trên gò má, anh Trần Xuân Bình cho biết: "Tôi cùng anh Dũng đưa được thiếu úy Trần Văn Phương vào đảo Sinh Tồn. Vào đến nới, chúng tôi dùng các hộp đạn ghép làm hòm rồi khâm liệm và án táng anh ấy ngay trên đảo”.
Đến giờ anh Trần Quang Dũng vẫn còn nhớ như in câu nói của liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương trước lúc hi sinh: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng”.
Anh Trần Thiên Phụng chỉ vào vết sẹo do trúng đạn Trung Quốc bắn trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. (Ảnh: Trần Anh)
Thoát chết trong trận hải chiến Gạc Ma, anh Dũng và anh Bình tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mãi đến năm 1991, hai anh mới ra quân và trở về quê hương làm lụng xây dựng cuộc sống gia đình.
Vì nặng lòng với vùng biển đảo Tổ quốc mà cựu binh Trần Xuân Bình đã lấy tên các đảo đặt tên cho 3 con mình là Trần Xuân Trường, Trần Xuân Sa (bắt nguồn từ tên đảo Trường Sa) và Trần Xuân Sinh (bắt nguồn từ tên đảo Sinh Tồn).
Sau hồi tranh luận, bất ngờ lính Trung Quốc tiến đến dùng lưỡi lê đâm vào anh Nguyễn Duy Lân rồi chúng bắt đầu nổ súng. Ở loạt đạn đầu tiên, thiếu úy Phương đã gục xuống và hi sinh bên cạnh lá cờ Tổ quốc.
Cựu binh Trần Quang Dũng
Ký ức “Vòng tròn bất tử”
Quảng Trị có 6 chiến sĩ thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam tham gia cuộc hải chiến Gạc Ma năm 1988. Trong 6 chiến sĩ thì có 2 người mãi mãi nằm lại nơi vùng biển đảo linh thiêng của Tổ quốc và 1 người bị Trung Quốc cầm tù 3 năm mới được trở về quê hương.
Tiếp chúng tôi, 3 trong 4 cựu binh may mắn thoát chết tại trận hải chiến Gạc Ma năm xưa là anh Trần Thiện Phụng (SN 1962, trú thành phố Đông Hà), anh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú huyện Gio Linh), Trần Xuân Bình (SN 1970, trú huyện Gio Linh) lại sụt sùi nước mắt khi kể lại những ký ức về đồng đội.
Ngày 11/3/1988, các cựu binh được lệnh ra đảo Gạc Ma cùng với các chiến sĩ khác để xây dựng đảo. Họ cùng đi trên tàu HQ.604 và đến Gạc Ma vào chiều 13/3/1988.
Cựu binh Trần Thiện Phụng nhớ lại: “Khi vừa cập bến thì thấy một số tàu Trung Quốc cũng đang ở gần đảo Gạc Ma nhưng chưa có động thái gây hấn nào. Đêm 13/3, Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 nói với mọi người: "Các đồng chí yên tâm. Tôi sẽ điện vào Bộ Tư lệnh vùng 4 để xin chỉ thị cho tàu ra viện trợ."
Đêm hôm ấy, tâm lý anh em rất thoải mái, mọi người cùng nhau hát hò.
Thời gian bị Trung Quốc cầm tù, đồng đội tưởng anh Phụng đã hi sinh nên làm giấy báo tử gửi về gia đình anh ở Quảng Trị. (Ảnh: Nguyễn Vương)
“Tui còn nhớ mãi câu nói anh Đông nói với tôi đêm hôm ấy: "Mai mi chết tau về báo với vợ con mi, còn nếu tau chết mi về báo với gia đình tau. Cuối cùng anh Đông hy sinh còn tui thì bị quân Trung Quốc bắt nên không ai báo được cho ai”, cựu binh Trần Thiên Phụng nhớ lại.
Còn cựu binh Trần Quang Dũng thì mãi không thể nào quên những câu nói của thiếu úy Nguyễn Văn Phương (quê Quảng Bình) vào đêm 13/3/1988: “Chắc đêm đó anh Phương có linh tính về điều chẳng lành đến với mình nên đã nhắn tui rằng: "E tau không về được! Nếu tụi bây về được thì bắt xe ra Đồng Hới động viên vợ tau với. Vợ tau là giáo viên và còn có con nhỏ của tau nữa"”.
Đúng như linh tính của thiếu úy Trần Văn Phương, sáng hôm sau (14/3/1988) cựu binh Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình được giao nhiệm vụ vào đảo Gạc Ma cắm cờ. Sau đó, thiếu úy Trần Văn Phương cùng một số đồng chí nữa lần lượt vào bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Thế nhưng, đúng lúc này, tàu Trung Quốc ập tới và bắt đầu xả súng về phía quân ta.
Sau loạt đạn xối xả đầu tiên của Trung Quốc, thiếu úy Trần Văn Phương, các anh Tống Sĩ Bái và Hoàng Ánh Đông (cùng quê Đông Hà, Quảng Trị) đã hy sinh bên lá cờ Tổ quốc.
Anh Trần Xuân Bình sụt sùi nói: “Trước lúc hy sinh và đang đứng tại vòng tròn bảo vệ lá cờ, đồng chí Tống Sĩ Bái còn nói với tôi: "Ước gì bây giờ hoàn thành xong nghĩa vụ để tau được về với mẹ". Lúc sinh tử đó trong đầu ai cũng mong muốn được về đoàn tụ với gia đình. Ấy vậy mà vừa nói ra cái ước nguyện ấy thì đồng chí Bái cũng hy sinh”.
“Nhìn đồng đội ngã xuống mà đau đớn lòng. Tiếc rằng trong tay không có súng để bắn lại chúng”, anh Trần Thiên Phụng nói trong cay đắng.
Đã nhiều năm qua, mẹ Hằng coi chai nước biển như chứa máu và linh hồn của con trai mình trong đó. (Ảnh: Trần Anh)
Sau ngày thảm sát đẫm máu tại Gạc Ma, anh Dũng và anh Bình may mắn ôm được khúc gỗ trôi dạt trên biển và được cứu về đảo Sinh Tồn. Sau khi được điều tri tại bệnh viện, các anh tiếp tục tham gia vào nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Mãi đến năm 1991 các anh mới ra quân, trở về quê hương làm lụng, xây dựng cuộc sống gia đình.
Riêng anh Trần Thiện Phụng, trong trận hải chiến Gạc Ma bị dính đạn và bị thương ở cánh tay trái, tay còn lại thì cố bám trên thanh gỗ và trôi dạt trên biển.
Sau đó anh được quân Trung Quốc vớt lên tàu và bị bắt làm tù binh trong suốt 3 năm mới được trao trả về nước đoàn tụ với gia đình. Hoàn cảnh và những năm tháng trong tù của Phụng cũng đã được chúng tôi thuật lại trong bài viết "Nhật ký người lính Gạc Ma và câu chuyện trong nhà tù Trung Quốc".
Mỗi lần nhớ lại những hồi ức về người con đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, mẹ Hằng lại ôm mặt khóc. (Ảnh: Trần Anh)
Khát vọng bám biển trên chiếc “thuyền bộ đội”
Trở về từ Gạc Ma, hai cựu binh Trần Quang Dũng và Trần Xuân Bình lại quay về với nghề đánh bắt hải sản, vừa là để mưu sinh nhưng cũng là để nuôi khát vọng vươn khơi, bám biển trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau nhiều năm đi biển tích cóp, năm 2010 cựu binh Trần Quang Dũng đã đóng được cho mình chiếc tàu 52 CV để ra khơi bám biển. Anh Dũng tự gọi chiếc tàu này của mình là “thuyền bộ đội”.
Theo lời bộc bạch của anh, tên gọi đó xuất phát từ việc những người đi trên tàu đều là lính Hải Quân. Ngoài anh Dũng và anh Bình thì còn có các anh Nguyễn Công Vinh, Hoàng Phát và Võ Nam (đều là lính Hải quân Việt Nam tham gia xây dựng đảo Cô Lin, Sơn Chà).
Thoát chết và trở về từ Gạc Ma nhưng ý chí đóng tàu để vươn khơi, bám biển góp phần bảo vệ biển đảo quê hương luôn chảy trong huyết quản của cựu binh Dũng. (Ảnh: Trần Anh)
“Tôi là người lính hải quân nên những năm tháng lênh đênh trên biển in sâu trong máu rồi nên không thể dứt ra được. Hơn nữa mỗi lần mình vươn khơi bám biển vừa thỏa được nỗi lòng ra biển vừa góp phần bảo vệ biển đảo quê hương”, anh Dũng tâm sự.
Những người cựu lính Gạc Ma này cũng tổ chức một ngày giỗ chung cho các đồng đội là ngày 26/2 Âm lịch. Hằng năm, khi đến ngày này những cựu binh trên chiếc “thuyền bộ đội” lại chuẩn bị vòng hoa, làm mâm cơm lên thuyền ra cửa lạch và hướng về phía đảo xa bái vọng.
Ngày hôm đó cũng được những cựu binh chọn là ngày xuất hành đầu năm của chiếc “thuyền bộ đội”.
“Bao nhiêu ngày đi biển của tôi là bấy nhiêu kí ức lại ùa về. Giữa mênh mông sóng nước tôi lại nhớ kí ức cùng đồng đội ngày còn trên tàu ra đảo Gạc Ma. Mỗi lần lênh đênh trên biển tôi lại thắp nén hương, thả vài bông hoa xuống dưới biển cầu mong cho linh hồn các đồng đội được siêu thoát”, anh Trần Xuân Bình sụt sùi.
Những cựu lính của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng năm xưa lại tiếp tục cùng nhau vươn khơi, bám biến. (Ảnh: Trần Anh)
Anh Nguyễn Công Vinh (Cựu binh Trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân Việt Nam – người có ra và tham gia xây dựng đảo Cô Lin vào tháng 3/1988) chia sẻ: “Đi trên thuyền của anh Dũng chúng tôi xem nhau như anh em. Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Có lúc đánh bắt được nhiều cá có lúc không, nhưng đã là tình đồng chí thì không tính toán thiệt hơn.
Tôi là lính Hải quân nên dù không còn trong quân ngũ nhưng trái tim luôn hướng về biển đảo. Tôi bám biển cũng chỉ muốn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo nước ta”.
Được biết, sau sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như công việc bám biển, vươn khơi của những cựu binh trên.
Trong tâm khảm cựu binh Trần Quang Dũng giờ đây luôn mong mỏi sớm đóng được chiếc tàu trên 400 CV để có thể ra được những vùng biển xa.
“Vừa qua có nghị định 67 cho ngư dân vay vốn đóng tàu, mong rằng tôi có thể vay vốn để đóng chiếc tàu trên 400 CV. Có thuyền lớn vừa tạo công việc cho những cựu binh vừa có thể bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”, cựu binh Dũng trải lòng.
Cả thế giới cần biết đầy đủ, chính xác hành động xâm lược tàn bạo của Trung Quốc Nhắc lại sự kiện Gạc Ma để cả thế giới biết đầy đủ, chính xác những hành động tàn bạo của Hải quân Trung Quốc, ... |
Gạc Ma 1988: Trung Quốc 10 năm nuôi dã tâm chiếm đảo Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979, Trung Quốc đã tiếp tục âm mưu xâm lược trên biển đối với Việt ... |
GẠC MA KHẮC CỐT GHI TÂM (*): Ký ức đau thương "Thà hy sinh chứ không thể mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc linh thiêng" - lời nói ... |