Những ngày tháng 3, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa luôn nghi ngút khói hương từ những đoàn du khách trong và ngoài nước
"Bạn tôi nằm xuống nơi Trường Sa/ Yên nghỉ nơi đây giữ đất nhà/ Thế hệ con cháu muôn đời nhớ/ Biển mãi yên bình nhớ tên anh!". Đó là những dòng thơ đầy xúc động của ông Y Cư Niê (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) lưu lại khi ghé thăm Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Đau đáu
Đến Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối mới cảm nhận hết vẻ huyền hoặc nơi đây. Vào buổi sáng sớm, mặt trời vừa lên, chiếu qua "Vòng tròn bất tử" tỏa ra ánh hào quang bên trên cụm tượng đài "Những người nằm lại cuối chân trời".
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bên khu tưởng niệm Ảnh: HỒNG ÁNH
Lặng lẽ đi sau đoàn người là một ông lão tóc bạc, đang mò mẫm leo từng bậc thang để lên đài cao thắp hương. Ông là cựu pháo binh Đào Sơn, từ TP HCM ra đây. "Đây là lần thứ 3 tôi đến khu tưởng niệm này. Tôi muốn đến đây thường xuyên để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội. Các anh em đã nằm lại giữa biển khơi để giữ từng tấc biển, tấc đảo quê hương" - ông Sơn mắt nhòa lệ.
Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được đông đảo người dân, chiến sĩ thăm viếng Ảnh: KỲ NAM
Gần đó, ông Trương Văn Cảnh (tỉnh Phú Yên) lần tìm trong danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ông thầm reo mà đôi mắt đỏ hoe: "Em đây rồi, Thịnh ơi!". Tay ông nắn từng dòng chữ: Liệt sĩ Trương Văn Thịnh, nhập ngũ tháng 8 năm 1985 - H1 - Lữ đoàn 146, quê Tuy Hòa, Phú Yên.
Cách đó không xa, bà Đỗ Thị Hà và chị Đinh Thị Mỹ Lệ (vợ, con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh) đang thắp nén hương lên mộ gió. "Đến giờ tôi vẫn hy vọng anh Doanh bị bắt nhốt ở đâu đó và rồi một ngày anh sẽ về với vợ con" - bà Hà tâm sự. Bà cho biết từ khi khu tưởng niệm bắt đầu xây dựng, năm nào mẹ con bà cũng đến đây thắp hương. Dù vẫn hy vọng chồng chưa mất nhưng bà vẫn coi khu tưởng niệm này là mái nhà chung để chồng và đồng đội trở về.
Đại tá Nguyễn Văn Dân - nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người có mặt ở đảo Gạc Ma vào trưa 14-3-1988 - cho biết bao năm rồi hình ảnh trận Gạc Ma vẫn cứ vọng về trong ông. Với ông, các em vẫn đang giữ cho biển đảo quê hương mình.
Còn thi hài Anh hùng Lực lượng Vũ trang, liệt sĩ Trần Văn Phương đã được đưa về an nghỉ tại một nghĩa trang tỉnh Quảng Bình nhưng con gái của ông là chị Trần Thị Thủy không năm nào không đưa con đến khu tưởng niệm để thắp hương. "Nghe mẹ kể ngày xưa bố yêu thương đồng đội lắm. Đồng đội bố ở đây thì bố cũng về đây. Với tôi, khu tưởng niệm như mái nhà chung cho cả bố và các đồng đội. Tôi đến đây và gặp các cô, các anh là thân nhân của các liệt sĩ và cảm thấy thật ấm áp" - chị Thủy tâm sự.
Các con đã có nơi yên nghỉ
Không có mặt trong dòng người đến khu tưởng niệm dịp 14-3 năm nay nhưng trước đó, hôm 9-3, ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, người dành cả tâm huyết của mình cho việc xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - đã đến đây để thắp hương. Sở dĩ chọn một ngày bình thường như bao ngày khác vì ông muốn hiểu tấm lòng người dân cả nước hướng về khu tưởng niệm này. "Tôi không ngờ lại có rất nhiều người đến viếng. Họ đến từ nhiều miền khác nhau của Tổ quốc. Thậm chí có những Việt kiều từ Úc, Mỹ. Đúng là những người hy sinh bảo vệ Tổ quốc luôn luôn sống mãi trong lòng dân tộc" - ông Tùng chia sẻ.
Chúng tôi cũng đã từng gặp nguyên chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong dịp nghiệm thu cụm tượng đài "Những người nằm lại cuối chân trời". Ông lặng đi trước những đường nét kiến trúc vừa thể hiện tình cảm của người lính Hải quân Việt Nam vừa biểu hiện được tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong những giờ phút bi hùng ấy. "Không riêng tôi mà nhiều anh em đều xúc động. Khu tưởng niệm là ý nguyện, sự đóng góp của nhân dân cả nước. Đây sẽ là nơi để 64 anh hùng chiến sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma được yên nghỉ, là nơi để gia đình, thân nhân của các anh về viếng người thân của mình" - ông Tùng xúc động.
Hơn 4 năm trước, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã mở cuộc vận động mỗi người đóng góp 1 viên gạch để xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Cuộc vận động đã nhận được sự đóng góp tích cực của người dân cả nước và những Việt kiều. Sau 2 năm thi công, giai đoạn 1 của khu tưởng niệm trên diện tích 2,5 ha với cụm tượng đài "Những người nằm lại cuối chân trời", khu mộ gió, bảo tàng, Công viên Hòa Bình được khánh thành vào ngày 15-7-2017.
"Tôi đã rất xúc động. Xúc động ngay từ khi đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ngay ngày đầu ấy, nhiều người mẹ của các chiến sĩ đã đến ôm viên đá ấy khóc. Ôm viên đá ấy chính là ôm con vào lòng. Từ nay trở đi, các con đã có nơi yên nghỉ và hằng năm mẹ được về với các con. Người ta thấy đây là một nơi rất cần cho việc giáo dục truyền thống, lịch sử yêu nước, đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam" - ông Tùng trải lòng.
Địa chỉ đỏ Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ khi đi vào hoạt động (tháng 7-2017) đến nay, khu tưởng niệm đã đón khoảng 26.000 lượt người đến viếng, tham quan, tìm hiểu sự kiện lịch sử Gạc Ma. Cách đây không lâu, Đảng ủy Trường ĐH Sư phạm TP HCM đã tổ chức lễ kết nạp 2 đảng viên mới ngay tại khu tưởng niệm này. Nhiều trường còn tổ chức tuyên dương học sinh trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Hiện nay, khu tưởng niệm cũng trở thành điểm tham quan chính thức của các tour du lịch lớn như Vietravel, Saigontourist. |
Trường Sa 1988: Không nổ súng trước nhưng phải nổ súng 30 năm sau sự kiện Gạc Ma. Chúng tôi trích đăng một phần bài viết của công dân, cựu chiến binh Lê Mạnh Hà - ... |
GẠC MA KHẮC CỐT GHI TÂM (*): Cuộc chiến cơm áo, gạo tiền Người lính Gạc Ma năm nào giờ đây đang lom khom quét rác ở chợ Nhân Trạch (tỉnh Quảng Bình) với khuôn mặt ướt đẫm ... |
Bữa khoai vằm cuối cùng với mẹ của chiến sĩ Gạc Ma trước lúc hy sinh Lời hứa trở về sửa nhà cho mẹ sau khi ăn bữa khoai vằm cuối cùng trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại đảo ... |