Ngay sau khi cựu Chủ tịch Đà Nẵng bị bắt, người ta phát hiện con trai ông đi học nước ngoài bằng tiền ngân sách không đúng ngay cả quy định tối thiểu nhất.
Ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về trường hợp đi học thạc sĩ ở nước ngoài (Úc) bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định đối với ông Trần Văn Mẫn. Ông Mẫn là con trai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh vừa bị bắt tạm giam.
Theo đó, quy định của UBND TP Đà Nẵng đối với những sinh viên thuộc đề án 32 tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước đạt loại giỏi trở lên, đúng ngành đào tạo của đề án 393 (Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài), đủ trình độ về ngoại ngữ và được cơ sở đào tạo đồng ý tiếp nhận học thạc sĩ, tiến sĩ thì được xem xét chuyển tiếp tham gia chương trình đào tạo theo đề án 393.
Tuy nhiên, ông Mẫn được đi học trong khi chỉ tốt nghiệp đại học loại khá.
Kết luận ông Mẫn đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng tiêu chuẩn rõ ràng chẳng có gì đáng nói.
Nhưng bản tin nhỏ này lại có rất nhiều điều đáng nói.
Phải chăng tiêu chuẩn, quy trình chỉ đặt ra cho có, còn chuyện con cán bộ đi học cứ đi học, bất chấp những điều kiện tối thiểu. Lưu ý là vào thời điểm ông Mẫn được cử đi học nước ngoài, ông Trần Văn Minh đang đương nhiệm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Có người đã đặt câu hỏi rất đúng: Phải chăng đó cũng là một thứ lạm dụng chức vụ? Phải chăng đó cũng là tham nhũng?
Nhưng câu chuyện sẽ là minh bạch, là nghiêm túc nếu việc phát hiện không diễn ra chỉ sau khi cựu Chủ tịch vừa bị bắt giam.
Tại sao có tiêu chuẩn, quy trình mà Sở Nội vụ Đà Nẵng bao nhiêu năm qua không phát hiện?
Tại sao lại đặt vấn đề kiểm tra, xem xét chỉ sau khi ông Minh bị bắt?
Con cán bộ đi học bằng tiền ngân sách dù không đủ tiêu chuẩn. Và khi trở về, với hào quang trọng dụng nhân tài, nghiễm nhiên có một chỗ trong bộ máy nhà nước, có khi còn là những cái ghế phòng, ghế sở khi tuổi còn rất trẻ. Tình trạng này không phải là hiếm, không chỉ có ở Đà Nẵng. Và chính chuyện này đang tước đoạt cơ hội của những người chân tài thực học.
Có lẽ, trong vụ việc này, người phải kiểm điểm, phải trả lời, phải chịu trách nhiệm đầu tiên chính là Sở Nội vụ Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong công tác cán bộ, từng phát biểu nức lòng dân: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà”.
Nhưng để tìm người tài chứ không tìm người nhà thì rõ ràng sự minh bạch, công khai phải được đặt lên hàng đầu tại từng địa phương, từng sở ngành. Bởi nếu thiếu sự minh bạch, công khai, nếu người dân không thể giám sát thì như Đà Nẵng đó thôi, dân nói không sai, đó là gài người nhà chứ không tìm người tài.
Hà Nội bổ nhiệm Phó giám đốc Sở 8X Ông Nguyễn Quốc Hà (sinh năm 1980), Phó trưởng ban Ban Kiểm soát nội bộ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được bổ nhiêm ... |
Nghệ An: Sự thật một Phó Giám đốc đổ máu ngay tại bệnh viện Sáng 23/4, lãnh đạo sở Y tế Nghệ An cho biết đã nhận được báo cáo về thông tin Phó Giám đốc bệnh viện Đa ... |
Sở KHCN tỉnh Ninh Bình: Hàng chục cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” vẫn ung dung tại vị Liên quan đến việc nhiều cán bộ tại Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Ninh Bình được bổ nhiệm “thần tốc” khi chưa đủ ... |