Dù trong người có hơi men, nhưng bất chấp những nguy cơ gây tai nạn giao thông ở phía trước, nhiều người vẫn cầm lái. Thậm chí, có những người uống say tới mức sau một ngày ngủ dậy lái xe ra đường ăn bát cháo vẫn bị Cảnh sát giao thông lập biên bản, cũng bởi nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Rất khó có thể tưởng tượng hậu quả nếu tai nạn xảy ra…

Uống rượu bia vẫn cầm lái bởi… “đã say đâu”

Đó là câu chuyện tại hầu hết các điểm chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô. Không ít người khi được hỏi tại sao uống rượu bia rồi vẫn lái xe, họ thản nhiên trả lời, “uống vài cốc thôi chứ đã say đâu”. Thực tế chứng minh, có ai uống rượu bia mà tự nhận mình say đâu, nhưng khi có tai nạn xảy ra thì lại đổ “tại số”, “tại đen”…

Sự vô trách nhiệm ấy vô hình trung đã khiến tình trạng người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia trở nên 'bình thường hóa'. Họ thản nhiên bao biện cho hành vi vi phạm của mình.

Phóng viên An ninh Thủ đô đã có những buổi tác nghiệp tại các chốt của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô. Đáng buồn ở chỗ, rất nhiều người khi được “cầu cứu trợ giúp” thì sẵn sàng “xin xỏ” bỏ qua lỗi vi phạm cho người quen. Song, nếu xảy ra tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thì những người này có đứng ra chịu trách nhiệm?!

Gần 500 trường hợp 'nhậu' xong vẫn lái xe, bị Cảnh sát giao thông Thủ đô tuýt còi ảnh 1

Người vi phạm dù đo nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, vẫn khẳng định chưa say nên lái xe được

“Không phải bỗng dưng Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông triển khai Kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi cả nước. Ba tháng triển khai chính là ba tháng thí điểm để thay đổi nhận thức của người dân.

Chúng tôi mạnh tay xử lý không phải vì chỉ tiêu, cũng không phải vì số tiền phạt thu về cho ngân sách Nhà nước, mà mấu chốt chính là để người dân hiểu được sự nguy hiểm khi tham gia giao thông mà sử dụng rượu bia và các chất kích thích.

Khi nào người dân ý thức và trách nhiệm được, khi ấy mới hạn chế được những rủi ro mỗi ngày có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho người tham gia giao thông” - Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội nhấn mạnh.

Chỉ tính riêng trong 1 tuần ra quân, trên toàn thành phố đã xử lý 485 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 146 trường hợp xe chở quá tải.

Theo Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội, số liệu cho thấy, trường hợp vi phạm cũng cao hơn so với trước đó là bởi sau khi Hà Nội chuyển sang thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, việc tụ tập tại các quán nhậu cũng phổ biến hơn.

“Ngoài việc xử lý, còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền mạnh. Từ đó, không chỉ khẳng định rằng lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào, mà còn giúp người dân hiểu rõ được Kế hoạch này nhằm phục vụ lợi ích của chính người tham gia giao thông. Nếu chúng tôi bỏ qua, lơ là xử lý, liệu sẽ có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông để lại mất mát lớn cho gia đình các nạn nhân" - Thiếu tá Đào Việt Long chia sẻ.

Vì tính mạng của người tham gia giao thông

Thời gian gần đây, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu bia, các chất kích thích, xe chở quá khổ quá tải… đã xảy ra trên địa bàn cả nước. Hậu quả để lại từ những vụ việc trên là không thể đong đếm được, đặt lên vai những người làm công tác quản lý trách nhiệm rất lớn.

Cũng theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội, sau một tuần ra quân, đơn vị cũng đã ghi nhận những sáng kiến, kinh nghiệm từ các Đội nghiệp vụ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, qua đó tiếp tục quán triệt tới các CBCS, nâng cao tinh thần trách nhiệm nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông.

 
Gần 500 trường hợp 'nhậu' xong vẫn lái xe, bị Cảnh sát giao thông Thủ đô tuýt còi ảnh 2

Xe chở đất cát từ công trình xây dựng làm rơi vãi ra đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện khi tham gia giao thông

“Chúng tôi cũng đã tổ chức điều tra cơ bản, nắm thông tin các công trình xây dựng tại khu vực huyện ngoại thành, tỉnh giáp ranh mà có tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội để bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý với các xe chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải.

Phải nhìn nhận rõ thực tế mức độ rủi ro, nguy hiểm của các phương tiện này đối với người tham gia giao thông, để từ đó mạnh tay, quyết liệt, không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào. Mức phạt hiện nay cũng khá cao, nếu chúng ta cương quyết thì cũng là biện pháp răn đe đối với lái xe cũng như các công ty vận tải” - Thiếu tá Đào Việt Long đánh giá.

Mặc dù những ngày này, thời tiết Hà Nội nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ ngoài đường lên đến hơn 40 độ C, tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội vẫn bám đường, tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông.

Gần 500 trường hợp 'nhậu' xong vẫn lái xe, bị Cảnh sát giao thông Thủ đô tuýt còi ảnh 3

Xe chở quá khổ, quá tải như thế này có thể gây tai nạn chỉ từ một pha đánh lái, quá nguy hiểm

Ngoài ra, các tổ công tác 141 của CATP Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt này, tình trạng vi phạm sẽ giảm dần, hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải là giải quyết từ gốc rễ của vấn đề. Người dân phải tự ý thức, trách nhiệm khi cầm lái - “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, có như vậy mới bớt đi những rủi ro khi tham gia giao thông.

https://www.anninhthudo.vn/gan-500-truong-hop-nhau-xong-van-lai-xe-bi-canh-sat-giao-thong-thu-do-tuyt-coi-post508914.antd

 

 

Thùy An / anninhthudo.vn