Hiện doanh nghiệp đang gánh một khoản chi phí rất lớn, nhưng tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành để thông quan phát hiện rất thấp, chỉ 0,06%.

Trên \'nóng\' dưới \'nguội\'
Không có vùng cấm

Phát hiện vi phạm ít nhưng tần suất thanh tra quá dày đặc đang là gánh nặng gián tiếp đè lên vai doanh nghiệp- một việc khó có thể chấp nhận trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng hôm 19/9.

Ngày 19/9, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với UBND TP Hải Phòng và các cơ quan liên quan về việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nói thẳng băng về sự bất hợp lý trong thủ tục thông quan hàng hóa.

Đó là hiện tỷ lệ hải quan kiểm tra các lô hàng xuất nhập khẩu chỉ chiếm 6% nhưng kiểm tra chuyên ngành lại rất lớn. Đơn cử như kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm khoảng 60-70%, kiểm tra 407 lô hàng nhưng phát hiện có 2 lô; kiểm tra động vật 43.000 lô hàng, phát hiện có 2, 3 lô.

Trong khi Nghị quyết 19 yêu cầu cải cách toàn diện các quy định điều kiện kinh doanh về quản lý chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu.

“Thủ tướng nêu trước hết yêu cầu hải quan Hải Phòng và Tổng cục Hải quan chấn chỉnh, quán triệt lực lượng hải quan, giáo dục, nhắc nhở anh em, tránh việc như báo chí nêu hải quan nhận phong bao phong bì của doanh nghiệp. Mong các đồng chí báo cáo có hay không có, ở mức độ nào để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh chung”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, thời gian thực hiện thông quan hàng hóa rất dài. 78% kiểm tra chuyên ngành, hải quan chỉ kiểm 22% và quy định không quá 50 giờ với hàng xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên muốn thông quan phải kiểm tra chuyên ngành, dù hải quan đã kiểm tra soi container, phân loại rồi nhưng vì vướng thủ tục chuyên ngành, ngay cả thủ tục xác nhận sự phối hợp rất có vấn đề, doanh nghiệp rất vất vả.

“Kiểm tra chuyên ngành nhưng làm thủ tục là chính, còn kiểm tra xét nghiệm sản phẩm không kiểm tra hoặc rất ít. Hai là kiểm tra bằng nhãn quan, thủ công, mắt nhìn. Hôm nào khỏe thì nhìn tinh, hôm nào yếu thì nhìn kém, hôm nào khó tính là khác ngay, trong khi phải đóng 1.050.000 đồng/hồ sơ”- ông Dũng chỉ ra thực tế mà doanh nghiệp (DN) phản ánh.

Tại Điều 37 Luật Thanh tra cho phép, cơ quan nhà nước lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên kế hoạch thanh tra; chức năng, nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành; dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thế nhưng trên thực tế, việc lựa chọn đối tượng thanh tra lại chưa minh bạch, hiệu quả.

Có lần ông Đậu Anh Tuấn- trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã từng trải lòng, trên thực tế một DN có thể phải tiếp 16-17 đoàn thanh tra trong một năm. Ngay cả ở cùng một lĩnh vực, đoàn thanh tra này vừa ra thì đoàn thanh tra khác lại vào.

DN nào “không biết điều”, “không chịu chi” sẽ bị kiểm tra thường xuyên, ngược lại, DN nào “quan hệ tốt” thì sẽ ít bị hoặc không bị thanh tra”.

Vậy là một thực tế đã được DN chỉ ra trước yêu cầu nóng bỏng về cải cách hành chính và cải cách tư pháp như hiện nay, việc quan tâm gỡ bỏ hạn chế, vướng mắc trong công tác thanh tra phải là một trong những ưu tiên nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN trong thời gian tới thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh và phát triển, nhưng môi trường kinh doanh phải là môi trường an toàn cho người dân và DN yên tâm đầu tư, sản xuất.

Tại Nghị quyết 35/NQ-CP được Chính phủ ban hành giữa tháng 5/2016 đã chỉ rõ: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, hỗ trợ, hướng dẫn DN tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá 1 lần/năm).

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan.

Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo. Thế nhưng trên thực tế việc thanh tra theo kế hoạch và thanh tra thường xuyên phải áp dụng trên nguyên tắc quản lý rủi ro.

Đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, hậu quả lớn thì tần suất thanh tra cao hơn. Đối tượng có nguy cơ thấp thì có tần suất thanh tra thấp hơn.

Vậy là doanh nghiệp càng lớn tần suất thanh tra lại càng lớn hơn, nó tỷ lệ nghịch với thực tế đặt ra rằng lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng lớn thì tần suất thanh tra lớn hơn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao các bộ liên quan phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo.

Theo đó, các Bộ Khoa học và công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan.

Các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ.

Đáng chú ý, trường hợp xác định loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN.

TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã từng nhận định, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần có sự đột phá, tăng tốc của các bộ, ngành trong việc đơn giản hóa thủ tục.

Làm ăn của DN phụ thuộc phần lớn vào thời cơ và tính nhanh chóng của thời gian giải quyết. Nhưng hiện ở ta DN lại đang phụ thuộc vào “xét nghiệm bằng mắt” của những cán bộ “nay ốm, mai khỏe”, bằng những phán quyết có phần chủ quan của cán bộ, trong khi số vi phạm dẫu chỉ như muối bỏ bể nhưng nếu không có lót tay, e là sẽ tiếp tục chờ. Những chi phí không chính thức đang đè lên vai DN và điều đó cần phải được nhận diện và xử lý dứt điểm.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ganh-nang-kiem-tra-380235

/ Việt Thắng/daidoanket.vn