Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính xem xét thông qua Dự thảo Thông tư quy định về mức giá tối đa dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành. Đáng chú ý, trong dự thảo lần này, mức thu giá dịch vụ kiểm định đối với các loại xe cơ giới đang lưu hành được đề xuất tăng từ 26% đến 28% so với mức giá hiện hành.

Doanh thu thấp dễ dẫn tới… tiêu cực

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tiêu cực trong đăng kiểm vừa qua là do doanh thu các trung tâm đăng kiểm thấp, từ đó dẫn tới thu nhập của đăng kiểm viên thấp. Đi làm mà không nuôi nổi bản thân và vợ con sẽ dễ sinh tiêu cực khi có cơ hội, nhằm bù đắp thu nhập, lo cho cuộc sống.

img-6322 (1).jpg -0
Mức thu giá dịch vụ kiểm định dự kiến tăng thêm tới 28%.

Chính vì vậy, trong dự thảo thông tư lần này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành biểu giá mới về dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới. Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị điều chỉnh thu giá dịch vụ kiểm định đối với các loại xe cơ giới đang lưu hành, được đề xuất tăng từ 26% đến 28% so với mức giá hiện hành.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích, hầu hết các yếu tố chi phí cấu thành lên giá thành dịch vụ của mức giá từ năm 2013 đến nay đã có nhiều biến động, ảnh hưởng đến mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Cụ thể, mức phí (sau đó điều chỉnh thành giá dịch vụ) được Bộ Tài chính ban hành năm 2013 được dựa trên mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 6/2012, đến nay mức lương cơ sở đã có 6 lần tăng. So sánh giữa mức lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023 (1,8 triệu đồng) với mức lương cơ sở áp dụng từ tháng 6/2012 (1,05 triệu đồng) đã tăng 71,43%.

Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đề xuất điều chỉnh 2 yếu tố chi phí cơ bản: Chi phí lương và các khoản có tính chất lương, đề nghị điều chỉnh tăng 70% căn cứ theo mức tăng tiền lương cơ sở từ năm 2013 đến nay (thực tế tăng 71,43%); chi phí dịch vụ mua ngoài, đề nghị điều chỉnh tăng 20% do yếu tố tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2013 đến nay (thực tế Chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng 26,05%).

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Bộ GTVT cần khẩn trương xây dựng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới để sớm ban hành tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm.

“Sau 10 năm không được điều chỉnh biểu giá đã khiến các đơn vị đăng kiểm gặp khó khăn trong việc xoay xở kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, việc sụt giảm lượng phương tiện đến đăng kiểm thời gian vừa qua do thay đổi quy định về chu kỳ kiểm định, miễn đăng kiểm lần đầu xe cơ giới cũng khiến các trung tâm bị sụt giảm doanh thu, khó khăn trong duy trì hoạt động”, ông Long bày tỏ.

Nhà nước định giá tối đa với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, hiện có 281 trung tâm đăng kiểm thuộc nhiều thành phần kinh tế, hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong số này, các trung tâm thuộc khối tư nhân, đang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp là 192/281 đơn vị, chiếm 68,3%.

Đáng chú ý, sau khi Nghị định 30/2023/NĐ-CP ban hành, số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tăng lên đáng kể do có sự tham gia của các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Khi đó, hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc. Vì vậy, việc tiếp tục áp dụng hình thức nhà nước định giá cụ thể đối với giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh đã xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành là không còn phù hợp. Hơn nữa, ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó quy định hình thức nhà nước định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là nhà nước định giá tối đa.

Cụ thể theo dự thảo, loại xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ôtô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ôtô chuyên dùng có mức giá hiện tại là 570.000đ, nay đề xuất mức tối đa là 730.000đ (tăng 28%); xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ôtô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo có mức hiện tại là 360.000đ, nay đề xuất mức tốt đa là 460.000đ tăng 28%; xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn được đề xuất tăng từ 330.00đ lên 420.000đ (tăng 27%); xe ôtô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn đề xuất tăng từ 290.000đ lên 370.000đ (27%); xe ôtô chở người dưới 10 chỗ, xe ôtô cứu thương được đề xuất tăng 28% tức là từ 250.000đ lên thành 320.000đ…

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm đề nghị bổ sung giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng/xe; bổ sung dịch vụ in lại tem và giấy chứng nhận kiểm định với xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định là 25.000 đồng.

https://cand.com.vn/Xa-hoi/gia-dich-vu-dang-kiem-sap-tang-i699182/

Đặng Nhật / cand.com.vn