Giá cả nhiều loại nhiên liệu đầu vào cho sản xuất như than, xăng, dầu, khí… tăng cao khiến chi phí kinh doanh điện tăng theo. Trong khi đó, giá bán điện bình quân giữ ổn định từ năm 2019 đến nay khiến ngành Điện lỗ lớn trong năm 2022. Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện là điều khó có thể trì hoãn. Tuy nhiên, điều chỉnh ở mức nào là điều cần tính toán kỹ trong bối cảnh hiện nay.
- Thủ tướng: Giá điện quá cao thì người dân, doanh nghiệp không chịu được
- Có nên điều chỉnh giá điện như xăng dầu?
Nhân viên Công ty Lưới điện cao thế thành phố Hà Nội kiểm tra đường dây 110kV.
Khó cho ngành Điện
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, giá các loại nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than, xăng, dầu, khí đều tăng rất cao, dẫn đến giá bán điện ở nhiều nước cũng tăng lên. Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, giá than thế giới năm 2022 đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp 2,6 lần so với năm 2021. Còn giá dầu năm 2022 tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2020 và tăng 1,3 lần so với năm 2021.
Việc giá than nhập khẩu tăng đã làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021 (từ 1.635 đồng/kWh lên 2.043 đồng/kWh). Còn giá dầu tăng khiến giá điện bình quân của các nhà máy tua bin khí tăng khoảng 11,31% (từ 1.620 đồng/kWh lên 1.843 đồng/kWh). Tính toán cho thấy, chi phí phát điện chiếm tới 80% trong giá bán điện.
Làm rõ hơn vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh cho biết, trong năm 2022, mặc dù đã tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thậm chí chi lương cán bộ, công nhân bằng 80-90% mức bình quân năm 2020 (giúp tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng) hay tối ưu hóa dòng tiền (giúp tiết giảm chi phí 33.445 tỷ đồng) nhưng tập đoàn vẫn ước lỗ gần 29.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá nhiên liệu phục vụ sản xuất điện và tỷ giá tăng cao.
Tính toán tình hình tài chính năm 2023, Công ty mẹ - EVN, các tổng công ty điện lực và truyền tải điện dự kiến lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng. Đáng chú ý là nếu giá điện vẫn giữ nguyên, đến hết tháng 5-2023, Công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Từ tháng 6-2023, Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt tiền thanh toán là 3.730 tỷ đồng và đến tháng 12-2023, mức thiếu hụt lên tới 28.206 tỷ đồng. Hậu quả là tình trạng mất cân đối dòng tiền hoạt động và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đó là các nhà máy điện sẽ không nhận được tiền bán điện, dù vẫn bán điện lên lưới hoặc các nhà máy điện sẽ dừng cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia nếu không muốn bị nợ tiền điện lớn hoặc không có dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất. Việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Vận hành phát điện tại Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.
Cần thiết phải tăng giá điện
Ngày 3-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg quy định về khung giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu sẽ là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). So với khung giá cũ áp dụng theo Quyết định số 34/ 2017/QĐ-TTg, ngày 25-7-2017, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Nhìn nhận về điều này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khung giá bán lẻ điện bình quân (mức sàn và trần) cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022, sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện năm 2023. “Đây cũng là cơ sở để dự báo, giá điện sẽ tăng trong thời gian tới, có thể từ đầu quý II-2023, sau khi được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích.
Còn theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, việc điều chỉnh giá điện cần được tính toán kỹ. Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng nguyên tắc giá bán bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thì giá điện phải tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này sẽ tác động khá mạnh tới kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, giá điện tăng 15% sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5%; đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; giá thành sản xuất của ngành dệt may tăng khoảng 1,95%...
“Để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể chia lộ trình điều chỉnh giá điện làm 2 đợt và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng 7-8%. Với mức điều chỉnh này, lạm phát vòng 1 tăng khoảng 0,2%”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được cân nhắc trên cơ sở tính toán, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN.
Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp. Trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát.