Trong khi giá vàng SJC sáng nay ít biến động thì giá vàng nhẫn vẫn tăng dựng đứng, không ngừng thiết lập kỷ lục mới.

Trong tuần trước, giá vàng SJC đã tăng mạnh tới khoảng 1,5 triệu đồng/lượng vàng SJC. Diễn biến giá kim loại quý vẫn tích cực khi mở cửa giao dịch trở lại trong phiên đầu tuần. Dù vàng SJC không tăng mạnh song vàng nhẫn lại tiếp tục bứt phá khỏi mức giá kỷ lục cũ.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết giá thương hiệu vàng SJC ở mức 71,40 - 73,32 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước.

Tại DOJI, giá vàng đang giao dịch ở mức 71,25 - 72,30 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và cũng giữ nguyên chiều bán ra; Phú Quý SJC 71,30 - 72,30 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Trong khi đó, vàng phi SJC ghi nhận mức tăng mạnh ngay sáng đầu tuần. Cụ thể, vàng PNJ đang giao dịch ở mức giá cao nhất mọi thời đại, 60,50 - 61,70 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều.

Vàng nhẫn SJC 99,99 cũng giao dịch ở mức rất cao, 60,50 - 61,60 triệu đồng/lượng; nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu thậm chí vượt 62 triệu đồng/lượng, niêm yết tại 61,08 - 62,08 triệu đồng/lượng…

gia-vang-5-5458-4323
Giá vàng nhẫn liên tục phá kỷ lục

Trên thị trường thế giới, giá vàng mở cửa tại thị trường châu Á cũng với diễn biến khá tích cực. Kim loại quý đã tăng gần 6,5 USD/ounce tính đến 9h30 sáng theo giờ Việt Nam, giao dịch trên mức 2.009 USD/ounce.

Hiện kim loại quý đang nhận được hỗ trợ lớn từ yếu tố mùa vụ, khi sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ sẽ đến Lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và ngày Lễ tình nhân phía trước, cùng với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc và một số nước châu Á.

Một tính toán cho thấy, trong 5 năm qua, vàng đã chứng kiến ​​mức tăng trung bình 2,7% từ Lễ Tạ ơn đến ngày 31/12.

Trong khi đó, rủi ro lớn nhất đối với vàng sẽ là lãi suất trái phiếu tăng cao, khiến đồng đô la Mỹ mạnh lên.

Với sự tập trung mới vào chính sách tiền tệ của Mỹ, thị trường vàng sẽ nhạy cảm với dữ liệu GDP và lạm phát của Mỹ. Mặc dù nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong quý III, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về hoạt động chậm lại trong quý IV. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​sẽ tiếp tục làm giảm lạm phát, tạo dư địa cho Fed giảm bớt xu hướng thắt chặt.

Giá năng lượng và cuộc họp OPEC+ vào tuần tới có thể là yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Người ta dự đoán rằng tập đoàn dầu mỏ sẽ công bố các đợt cắt giảm sản lượng mới. Nếu vậy, điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Nhưng ngược lại, nếu những gì xảy ra thấp hơn kỳ vọng thì giá dầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm hiện tại, qua đó, có thể tác động tích cực đến giá vàng. Giá dầu giảm sẽ góp phần giảm lạm phát, cung cấp cho Fed thêm một khoảng trống dễ thở hơn trong chính sách tiền tệ.

/ ANTĐ