Nhiều doanh nghiệp vận tải ngao ngán khi giá xăng dầu cao kỷ lục, càng kinh doanh càng áp lực nặng nề.

Chia sẻ với VTC News chiều 11/5, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

“Xăng dầu tăng khiếp quá, dự báo có thể lên đến 35.000 – 40.000 đồng/lít. Nếu vậy thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách khó lòng sống nổi. Chúng tôi cũng biết xăng dầu tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng trong hoàn cảnh này, chỉ có đóng cửa nhà xe mới mong thoát lỗ”, ông Bằng nói.

Giá xăng cao kỷ lục, doanh nghiệp vận tải than 'quá sức chịu đựng' - 1

Doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hành khách đang đau đầu trước bài toán tăng giá xăng.

Vẫn theo ông Bằng, nếu như trước đây, công ty Sao Việt do ông làm giám đốc có hơn 100 đầu xe thì nay chỉ còn 30 xe hoạt động. Dịch bệnh COVID-19 khiến Sao Việt phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, chịu lỗ rất lớn, mới bắt đầu phục hồi thì giá xăng dầu lại tăng quá sức chịu đựng. Đáng nói, dù càng chạy càng lỗ nhưng trong thời gian này doanh nghiệp chưa thể tính đến việc điều chỉnh tăng giá vé để bù đắp chi phí do lượng khách ít ỏi.

Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, cũng cho biết giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau dịch bệnh COVID-19.

“Dịch COVID-19 bùng nổ, kéo dài hơn 2 năm khiến doanh nghiệp rơi vào thua lỗ nặng nề. Từ khi khống chế được dịch, xe bắt đầu có khách thì giá xăng dầu tăng chóng mặt. Chi phí đầu vào bị đội lên, trong khi giá vé vẫn thế, nhà xe đã lỗ càng tiếp tục lỗ nặng hơn”, ông Văn nói.

Tương tự, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại, Dịch vụ Đất Cảng, cho hay doanh nghiệp đang loay hoay trước bài toán doanh thu, lợi nhuận trong thời “bão giá xăng dầu”.

“Doanh nghiệp càng chạy càng lỗ do khách đi xe giảm, giá xăng dầu tăng. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động vận tải khách liên tỉnh được khai thông, chúng tôi đã lên phương án mở lại một số tuyến đường nhưng cũng chỉ chạy “bữa đực bữa cái” vì không có khách. Từ nhiều tháng nay, giá xăng dầu tăng cao, vận tải hành khách đa số thua lỗ, đừng nói đến có lãi”, ông Hải chia sẻ.

Theo đại diện doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội, giá xăng đang tạo áo lực cực lớn lên hoạt động doanh nghiệp. Đa số đều không gồng gánh nổi chi phí. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng, chỉ còn cách tăng giá vé hoặc tạm dừng hoạt động.

Không giảm thêm thuế phí, khó kìm giá xăng

Theo ông Đỗ Văn Bằng, từ chiều nay, xăng E5RON92 lên 28.959 đồng/lít, xăng RON95 lên 29.988 đồng/lít, dầu diezen lên 26.650 đồng/lít. Mức giá này chạm đến ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải. Để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp.

“Ngành vận tải đứng trước quá nhiều thách thức. Chỉ có điều chỉnh thuế, phí xăng dầu mới có thể hạ nhiệt giá xăng, giúp doanh nghiệp bớt khó”, ông Bằng nói.

PGS.TS Ngô Trí Long, cho hay hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95) và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sẽ giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.

PGS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.

Trước đó, chia sẻ với VTC News, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao có thể tính đến giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Tôi cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Chúng ta vẫn cần phải tính dài hơn hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa. Như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã lên kịch bản, nếu giá 130 USD, 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất đưa ra kịch bản tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT, đa dạng hóa nguồn cung…”, ông Đông nói.

https://vtc.vn/gia-xang-cao-ky-luc-doanh-nghiep-van-tai-than-qua-suc-chiu-dung-ar676161.html

HÒA BÌNH / VTC News