Câu chuyện giá xăng dầu giảm sâu nhưng các loại hàng hóa "tát nước theo mưa", ào ạt tăng giá trước đó lại không động tĩnh khiến nhiều người bức xúc.

Nêu quan điểm về nghịch lý này, nhiều chuyên gia cho rằng, chuyện tăng giá kiểu "tát nước theo mưa" dường như là thói quen xấu của người Việt, trong khi việc giảm giá lại phải xuất phát từ lợi ích nên doanh nghiệp, tiểu thương thường ít khi chủ động.

Dễ thấy rõ nhất hiện nay là mỗi khi giá xăng tăng thì hàng hóa lập tức đua nhau tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm, thậm chí là giảm mạnh thì giá hàng hóa, dịch vụ gần như không biến động.

Lý giải điều này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, trong công thức tính chỉ số CPI, xăng dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Thêm vào đó, khi hầu hết các sản phẩm đều đang vận hành theo cơ chế thị trường thì việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung - cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. 

“Cũng cần tính đến việc các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang lớn, rồi các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm hay việc bù lỗ nhiều… Đây chính là các yếu tố khiến doanh nghiệp buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ. Dù giá xăng dầu đã giảm hơn 3.000 đồng/lít nhưng "chưa đủ sức" để kéo mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải đi xuống vì giá xăng dầu vẫn neo ở mức rất cao", ông Liên phân tích.

Giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao giá hàng hóa chưa nhúc nhích? - 1
Giá cả hàng hóa vẫn chưa giảm dù giá xăng dầu hạ nhiệt. (Ảnh minh họa: Công Hiếu) 
 
Trả lời VTC News, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cũng nói: "Mức giảm 3.000 đồng/lít xăng, dầu như hiện nay mới chỉ giảm khoảng 10%, trong khi đó, so với cuối năm ngoái, giá xăng dầu đã tăng đến trên 50%".

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng viện dẫn việc doanh nghiệp đã phải bù lỗ quá nhiều ngày khi giá xăng dầu liên tục leo thang từ đầu năm đến nay, do vậy việc giảm giá dịch vụ là chưa thể.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là khó.

“Giá xăng dầu được điều chỉnh đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng trước đây sẽ khó giảm vì để các mặt hàng giảm giá thì phải có độ trễ nhất định. Đó là chưa kể giá xăng dầu hiện vẫn ở mức cao và liên tục tăng thời gian qua khiến chi phí của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu. Do vậy, với mức giảm giá xăng dầu lần này, chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng”, ông Dũng nói.

Ông Dũng dự đoán, các chủ doanh nghiệp, các tiểu thương sẽ tiếp tục giữ lợi cho đến khi thị trường phản ứng tiêu cực thì họ mới thay đổi giá. “Giá xăng dầu giảm sâu nhưng các mặt hàng chưa giảm ngay là do độ trễ của chính sách. Tâm lý của người bán hàng là thuận mua, vừa bán, nên khi giá cả người ta đưa ra được chấp nhận rồi thì động lực để hạ xuống là không có. Giữ được mức giá đã được chấp nhận là điều rất tốt đối với họ, mang lại nguồn lợi ích lớn cho họ. Chỉ khi nào mức độ cạnh tranh thị trường khiến người tiêu dùng không thể chấp nhận thì các doanh nghiệp, tư thương mới chấp nhận thay đổi”, ông Dũng phân tích.

Nói rõ hơn về thực tế trên, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc xăng lên kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá là quy luật tất yếu của thị trường, bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hoá bán lẻ sẽ tăng theo. Tuy nhiên, khi xăng dầu giảm giá, các mặt hàng khác không giảm theo ngay cũng là điều dễ hiểu, vì tâm lý của người tiêu dùng đã chấp nhận mặt bằng giá mới và hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương, tư thương kinh doanh tại các chợ truyền thống.

“Hệ thống phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu là chợ truyền thống, do tư thương quyết định, còn hệ thống chuỗi siêu thị chiếm thị phần rất ít. Bên cạnh đó là thói quen tát nước theo mưa nên khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các mặt hàng cũng tăng theo, còn khi giá xăng dầu giảm xuống thì các tư thương ở chợ truyền thống vì lợi ích cá nhân nên không chủ động giảm giá”, ông Lâm phân tích.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, vì thời gian dịch bệnh kéo dài, xăng dầu tăng giá cao, đẩy chi phí sản xuất lên cao nên họ cũng “thờ ơ” với việc giảm giá các mặt hàng, dịch vụ. Muốn giảm giá thì các doanh nghiệp cũng phải tính toán lại toàn bộ các chi phí khác chứ không chỉ riêng gía xăng dầu.

Một nguyên nhân khác mà các chuyên gia cũng cho rằng ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng hiện nay là xăng giảm có mang tính bền vững, ổn định hay không, hay chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục tăng.

“Do vậy, câu chuyện giá xăng tăng kéo theo hàng hoá tăng, khi giá xăng giảm nhưng các hàng hoá không giảm là chuyện hết sức bình thường, nó thể hiện rõ lợi ích của các tư thương, doanh nghiệp và người cuối cùng phải gánh chịu thiệt thòi là người tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Kiến Thành nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn theo cơ chế thị trường hay quy luật cung cầu, mà còn phụ thuộc vào các tư thương, doanh nghiệp. Do đó, việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa thường có độ trễ nhất định, có thời gian nhất định và họ viện đủ lý do để giữ giá, thu lợi.

“Nhà nước phải đảm bảo thị trường xăng dầu ổn định, khi đó thì người dân sẽ tự điều chỉnh thị trường, các tư thương ở chợ truyền thống mới chấp nhận điều chỉnh giá theo sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, muốn điều chỉnh được giá cả các mặt hàng, phải nâng cao vài trò của các bộ, ngành để thị trường được minh bạch. Chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa việc thiết lập mặt bằng giá mới”, ông Lâm phân tích.

https://vtc.vn/gia-xang-da-u-gia-m-ma-nh-vi-sao-gia-ha-ng-ho-a-chua-nhu-c-nhi-ch-ar687436.html

Phạm Duy / VTC News