Một trong những vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra cũng như trong dư luận xã hội những ngày gần đây là tình trạng thiếu giáo viên mầm non và hiện tượng nhiều giáo viên cấp học này xin nghỉ việc. Xác định mầm non là cấp học nền tảng cho giáo dục phổ thông nên việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non cần những cơ chế đặc thù, với sự chung sức của nhiều phía, không chỉ riêng ngành Giáo dục.
- Nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên
- Ngành giáo dục nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng
- Giải ''bài toán'' thiếu giáo viên mầm non
Giáo viên Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh) hướng dẫn học sinh thực hành hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nguyễn Quang
Thu nhập chưa tương xứng với công việc
Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các cấp học, từ mầm non đến phổ thông, khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng. Việc thiếu giáo viên cũng khiến các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là ở cấp học mầm non.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có gần 5,8 triệu trẻ em được chăm sóc, giáo dục ở gần 15.500 cơ sở giáo dục mầm non. Điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non ngày càng được các địa phương quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Hiện tại, cả nước có gần 202 nghìn phòng học, tăng hơn 77 nghìn phòng so với năm học 2010-2011... Tuy nhiên, nguồn nhân lực của cấp học này lại đang đứng trước nhiều thách thức. Trong tổng số 107.000 giáo viên còn thiếu của các cấp học, thì số giáo viên mầm non chiếm 41%, tương ứng 44.000 người. Đáng chú ý, mầm non là cấp học có nhiều giáo viên bỏ việc nhất, với hơn 6.000 người trong tổng số hơn 16.000 giáo viên bỏ việc của tất cả các cấp học, chiếm hơn 37%.
Thành phố Hà Nội cũng đang đứng trước khó khăn do thiếu giáo viên mầm non. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, hầu hết các giáo viên đều cho rằng, do mức lương quá thấp. Theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 2-2-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, thì hệ số lương của giáo viên mầm non thấp nhất trong tất cả các cấp học. Cụ thể, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 đến 6,38. Như vậy, giáo viên mới vào nghề chỉ có mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng; giáo viên gắn bó với nghề từ 15 đến 20 năm cũng chỉ có mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6 (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Anh Thư cho biết, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, nhà trường có 3 giáo viên xin nghỉ việc. Còn theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Thu Hà, nhà trường cũng vừa có 3 cô giáo xin nghỉ việc. Lý do chủ yếu của các trường hợp này là hoàn cảnh gia đình khó khăn, mức lương chưa bảo đảm cuộc sống. Trong khi đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non gò bó, không có thời gian đi làm thêm. Vì vậy, nhiều người đã bỏ nghề, tìm công việc có thu nhập ổn định hơn.
Một giờ tập tô màu của học sinh Trường Mầm non Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm
Việc không của riêng ngành Giáo dục
Trước tình trạng thiếu giáo viên mầm non và nhiều người xin nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên từ 35% lên 70% hoặc tương đương mức phụ cấp của cán bộ y tế cấp cơ sở (100%) và tăng lương cho giáo viên mầm non. Đây được xác định là giải pháp quan trọng, lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay, giúp họ yên tâm công tác. Căn cứ vào số lượng chỉ tiêu được Bộ Chính trị giao (hơn 65.000 chỉ tiêu giáo viên mầm non, phổ thông), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo lộ trình từ nay tới năm 2026, đồng thời đẩy nhanh việc tuyển bổ sung hơn 10.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao từ các năm trước còn tồn đọng.
Theo ghi nhận, các giáo viên mầm non trên địa bàn Hà Nội đều bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, đây là giải pháp kịp thời, thiết thực, nhằm hạn chế tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, đồng thời là chính sách thu hút nhân lực vào ngành. Trong khi chờ đề xuất được thông qua, các đơn vị đều chủ động, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Bình chia sẻ, trường nằm ở “xã đảo” duy nhất của Hà Nội, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nên không thể huy động xã hội hóa. Giải pháp của nhà trường hiện nay là tạo không khí làm việc thân thiện, đoàn kết và quan tâm, động viên tinh thần giáo viên, giúp họ yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao. Nhà trường cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về những giải pháp, định hướng của ngành thời gian tới để giáo viên thêm yên tâm, tin tưởng gắn bó.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các phường của quận luôn tạo điều kiện để các chủ nhóm lớp được cấp phép thành lập hoặc hoạt động trở lại. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và tạo sự gắn kết, yêu nghề, trách nhiệm, phòng đã phân công giáo viên trường công lập hỗ trợ giáo viên của các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục trên cùng địa bàn.
“Công việc của giáo viên mầm non có đặc thù riêng, đòi hỏi sự tận tụy, tỉ mỉ, thời gian làm việc gò bó, không thể đi làm thêm như giáo viên phổ thông. Vì vậy, về lâu dài, để cải thiện đời sống, giải quyết dần tình trạng giáo viên chuyển công tác, rất cần cơ chế đặc thù của ngành Giáo dục và các bên liên quan”, bà Phạm Thị Lệ Hằng đề nghị.