Đánh giá sức mua trong quý 1/2013, nhiều doanh nghiệp (DN) hệ thống phân phối cho biết có tăng trưởng nhưng trị giá giỏ hàng giảm. Để chia sẻ khó khăn cùng người dân, kích cầu tiêu dùng (NTD) trong thời gian tới, các DN, hệ thống phân phối cam kết giảm giá nhiều nhóm hàng hóa, đặc biêt là hàng thiết yếu.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam cho biết, trong quý I/2023 mức tăng trưởng 14,8%, nhưng trị giá giỏ hàng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, hệ thống triển khai chương trình bán giá sỉ và không thay đổi giá sản phẩm. Với chương trình này, có hơn 40 mặt hàng tươi sống có mức giá tốt như chợ đầu mối, nhờ vào việc đơn vị thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi, theo mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Đặc biệt, có 37 DN sản xuất cam kết không tăng giá đối với hơn 500 sản phẩm thiết yếu trong thời gian tới (ít nhất trong năm 2023) để giảm áp lực lạm phát, đảm bảo tốt hơn đời sống người dân.

3.jpg -0
Nhiều mặt hàng giảm giá, bình ổn giá trong quý II để tăng kích cầu.

Cũng chia sẻ khó khăn cho NTD, từ ngày 31/3 nhiều DN, hệ thống phân phối đã bắt đầu triển khai giá mới theo hướng giảm giá so với những tháng đầu năm hoặc bình ổn giá một số mặt hàng. Từ ngày 31/3, Bách hoá Xanh áp dụng mức giá bình ổn cho một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu kèm với nhiều khuyến mãi giúp NTD chi tiêu tiết kiệm hơn; Công ty Vissan giảm giá 20% cho sản phẩm trong nhóm bình ổn trong suốt 1 tháng, và sẽ thay đổi sản phẩm theo từng tháng. Chương trình này sẽ được duy trì từ tháng 4 đến tháng 6 đối với mặt hàng nạc đùi vai heo, cốt lết heo, chân, bắp giò heo; Công ty Ba Huân giảm 20% cho mặt hàng trứng gà (10 quả/vỉ), 25% -30% cho xúc xích heo, bò, gà và đùi gà, cánh gà; Trong tháng 4, Công ty San Hà cũng giảm giá cho 2 sản phẩm bình ổn thị trường là chân gà công nghiệp và  gà ta với tỉ lệ 7%-15%.

Bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng Ban bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) thông tin, trong quý I/2023 mức tăng trưởng của hệ thống là 7,2% so với cùng kỳ. Hệ thống cũng giảm 40% nhiều sản phẩm và giảm 20% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không thuộc chương trình bình ổn thị trường, đồng thời liên kết 30 DN đưa sản phẩm OCOP đến NTD.

Theo đánh giá của bà Phạm Thị Ngọc Thùy, Phó phòng Quản lý giá Sở Tài chính, năm 2022 tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Các DN bình ổn thị trường mặt hàng gia cầm có đủ yếu tố để tăng giá sản phẩm, nhưng các DN quyết định giữ nguyên mức giá bình ổn thị trường năm 2022 để chia sẻ với NTD.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay DN đối diện với rất nhiều khó khăn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu (XK). Trong khi sức mua trong nước đang khó khăn, thì việc điều chỉnh tăng giá sẽ tác động ngược trở lại cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN, nên các DN đã nỗ lực giữ giá, giảm giá. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất hiện nay để hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa của DN là thông qua chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu. Đây là chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng gặp gỡ trực tiếp với các hệ thống phân phối và giới thiệu hàng hóa tới NTD nhanh nhất.

Kết nối này sẽ giúp DN giảm được chi phí tìm hiểu thị trường, giúp hệ thống phân phối giảm chi phí trong việc tìm kiếm các nguồn hàng. Khi chi phí của DN cung ứng, DN phân phối đều giảm sẽ giúp cho giá hàng hóa tới tay NTD tốt hơn. “Đây là giải pháp mà chúng tôi đánh giá rằng cần có sự hỗ trợ tối đa của quan quản lý nhà nước giúp cho DN để hàng hóa tiêu thụ tốt hơn”, ông Phương nói.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua. Trong đó, chi phí logistic khá cao. Đối với các hoạt động chăn nuôi, sức mua thấp dẫn nên người chăn nuôi không muốn mở rộng. Còn việc kết nối cung cầu hàng hóa, nhiều DN nhỏ, DN khởi nghiệp có triển vọng nhưng năng lực tài chính của DN còn hạn chế, việc giới thiệu sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn chưa thuận lợi. Các nhà phân phối thì gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng phát triển hệ thống.

Về những khó khăn này, Sở Công Thương đã cùng với các sở, ngành đang từng bước tháo gỡ. Bên cạnh phát triển thị trường trong nước, để hỗ trợ DN XK, trong tháng 5 tới, Sở cũng sẽ tổ chức hội chợ XK với chủ đề “liên kết mạnh, XK xanh” để giúp DN tìm kiếm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu ổn định... “Vừa phát triển thị trường nội địa song song với XK, đây là hướng đi an toàn cho DN để tránh tình trạng phụ thuộc vào thị trường XK hoặc nội địa”, ông Phương nói.

https://cand.com.vn/Kinh-te/giam-gia-de-tang-suc-mua-i688965/

Thúy Hà / Công an nhân dân