Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ năm 2018 đến 2020, Việt Nam vươn lên dẫn đầu ASEAN về công suất điện mặt trời với hơn 16,5GW được đưa vào vận hành; điện gió cũng đạt gần 4,3GW tính đến cuối 2023. Thế nhưng, mọi sự đã bất ngờ chững lại từ năm 2021, khi các rắc rối pháp lý và thay đổi cơ chế chính sách bắt đầu xuất hiện.
Thủ tục khiến nhà đầu tư rơi vào thế khó
Điểm nghẽn nghiêm trọng nhất là vấn đề thiếu thủ tục chấp nhận nghiệm thu (CCA). Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021, thủ tục CCA chưa phải là yêu cầu bắt buộc để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD). Đến tháng 6/2023, Thông tư số 10/2023/TT-BCT (Thông tư số 10) được Bộ Công Thương lần đầu tiên yêu cầu CCA như một điều kiện bắt buộc để được cấp phép hoạt động điện lực.
Một nhà đầu tư điện mặt trời chia sẻ, trước ngày 31/10/2021, hoàn toàn không có quy định pháp lý nào bắt buộc phải có CCA để được áp dụng giá bán điện theo giá ưu đãi (FIT). Hợp đồng mua bán điện giữa Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư cũng không đề cập CCA là điều kiện tiên quyết. Các điều kiện COD vào thời điểm đó chỉ bao gồm hoàn thành thử nghiệm ban đầu, có giấy phép hoạt động điện lực và thống nhất chỉ số công tơ. Khi Thông tư số10 được ban hành thì có quy định thủ tục nghiệm thu và bắt buộc có CCA - nghĩa là sau khi mọi chính sách khuyến khích FIT đã hết hiệu lực. Điều này đã vô tình khiến các nhà đầu tư “loay hoay” tìm hướng đi trong một chính sách có phần thiếu nhất quán. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc áp dụng hồi tố này là trái với nguyên tắc không hồi tố của Luật Đầu tư năm 2020.
Không chỉ vậy, phía nhà đầu tư nhấn mạnh, doanh thu từ việc bán điện là nguồn sống duy nhất giúp duy trì hoạt động của các nhà máy điện, hoàn thành nghĩa vụ thuế, thanh toán đúng hạn nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, thu nhập cho người lao động. Việc Công ty mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) đã đơn phương tạm giữ lại một phần tiền thanh toán thông qua việc áp dụng biểu giá tạm thời từ tháng 1/2025 khiến các nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán do áp lực trả nợ hàng tháng và rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, ảnh hưởng đến hoạt động bảo trì, sửa chữa và vận hành nhà máy; đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và tính khả thi của các dự án cũng như hoạt động kinh doanh.
Do đó, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã liên tục gửi các kiến nghị lên Chính phủ, các sở, ban, ngành liên quan để cùng khẳng định lại vấn đề tại thời điểm các dự án hoàn thành và đạt COD. Bên cạnh đó, việc đàm phán giữa các đơn vị liên quan và các nhà đầu tư cũng gặp nhiều trở ngại, các nhà đầu tư chưa thống nhất với cách giải quyết tạm thanh toán, áp dụng giá tạm. Các đơn vị liên quan cho biết đang đối mặt với một số thách thức trong quá trình đàm phán, bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ, làm rõ thông tin công suất quy hoạch và sự chênh lệch giữa số liệu sản lượng điện trong hồ sơ thiết kế với thực tế vận hành.
![]() |
Nguy cơ phát sinh tranh chấp quốc tế diện rộng và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia |
Tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư quốc gia
Mới đây Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nguy cơ phát sinh tranh chấp quốc tế diện rộng và kéo dài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gây thiệt hại tài chính lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia trong môi trường đầu tư xanh. Đến thời điểm hiện tại, có tới 173 dự án điện sạch đang bị “treo” quyền vận hành thương mại - một phần vì chưa có CCA, thủ tục vốn không được quy định tại thời điểm dự án đưa vào vận hành từ 2019-2021. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án này đang phải đối mặt với tình trạng chậm thanh toán tiền bán điện theo giá FIT và thậm chí có nguy cơ bị cắt giảm công suất.
Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng vốn chủ sở hữu, gây ra những hệ lụy khó lường cho hệ thống tài chính. Không những thế, thủ tục CCA còn gây tắc nghẽn dòng tiền tín dụng, triển vọng của thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam. Chỉ riêng khoảng 15.000 MW điện tái tạo đã hòa lưới, tổng dư nợ còn lại lên tới hơn 10 tỷ USD. Đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch 8 điều chỉnh đã được thông qua và các địa phương đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, cấp phép để các dự án mới nhanh chóng được thực hiện, một chuyên gia nhấn mạnh.
Được biết, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt để giải quyết vấn đề này thông qua Nghị quyết 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 và cũng đã có báo cáo chi tiết về thực hiện nghị quyết này. Tuy nhiên, việc triển khai và giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc xác định giá FIT và hoàn thiện thủ tục CCA vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao từ tất cả các bên liên quan để không lãng phí nguồn lực và đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng sạch của quốc gia.
Việc xử lý các dự án đang vướng CCA cần một cách tiếp cận linh hoạt và thực tiễn, thay vì máy móc áp dụng hồi tố. Đây là lúc để nhìn nhận lại vai trò của thể chế trong bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, đồng thời giữ vững hình ảnh một quốc gia đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình năng lượng sạch, một chuyên gia nhấn mạnh.
Nỗ lực lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương và quyết tâm giải quyết, tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh, trong quá trình triển khai có những điểm mới, những vấn đề phức tạp, do đó có tình trạng thực tiễn đi trước văn bản quy phạm pháp luật; việc phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió triển khai nhanh, có tích cực nhưng cũng có vướng mắc. Song Thủ tướng khẳng định, không hợp thức hóa những sai phạm nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội. Do đó, các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm, không sợ liên lụy sai phạm; việc tháo gỡ, xử lý vướng mắc phải được thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thống nhất tư tưởng chỉ đạo; nghiêm cấm việc “chạy chọt”, nghiêm cấm việc gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu.
https://thoibaonganhang.vn/gian-nan-nhu-dau-tu-dien-sach-167324.html