Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng vừa được công bố, quý IV/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công cả nước chỉ đạt hơn 14 nghìn giao dịch.

Riêng TP Hà Nội chỉ có 454 giao dịch thành công, TP Hồ Chí Minh có 1.986 giao dịch thành công. Từ giữa quý III đến cuối năm 2022, thị trường khó khăn, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản đã giảm quy mô,  số lượng môi giới cũng giảm theo. Nguyên nhân là do cơ cấu sản phẩm thị trường hiện nay không hợp lý...

Nguồn cung thiếu, giá lại cao

Giao dịch bất động sản xuống thấp kỷ lục -0
Thị trường bất động sản đang dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền của người dân. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hầu như không có. Các giao dịch mua bán căn hộ ở phân khúc này chủ yếu là ở các dự án đã được đưa vào sử dụng từ lâu như: VP6 Linh Đàm, The Golden An Khánh tại Hà Nội (khoảng 22 - 24 triệu đồng/m2). Còn lại thị trường chủ yếu là căn hộ trung cấp có mức giá từ 30 - 50 triệu đồng/m2 và căn hộ cao cấp có mức giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Trong khi đó, nguồn cung mới cả nước chỉ có 59 dự án với khoảng 9.500 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong lương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng. Riêng tại Hà Nội có 4 dự án với 716 căn hộ, tại TP Hồ Chí Minh có 6 dự án với 1.986 căn hộ.

Còn theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính chung cả năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm. Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư, thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với "túi tiền" của số đông người dân. Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, quý IV/2022, thị trường ghi nhận 31 dự án có chào bán mới.

Trong đó, chỉ có 2 dự án mới hoàn toàn và 29 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, cung cấp tổng 2.030 sản phẩm cho thị trường, chủ yếu là sản phẩm cao cấp. Trong quý IV/2022, ước lượng giao dịch thực chỉ đạt 20% lượng chào bán với hơn 435 giao dịch, giảm 66% so với quý 3/2022. Nguồn hàng trên thị trường không nhiều nên các dự án duy trì giá bán ở ngưỡng cao...

Đề cập đến những tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay, Bộ Xây dựng thừa nhận giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (có nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025). Trong khi đó, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và giảm giá nhà hiện nay, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" đang được đặt nhiều kỳ vọng.

Nhưng theo con số của Bộ Xây dựng, quý IV/2022, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở thu nhập thấp với 986 căn được cấp phép mới tại Quảng Ninh; có 5 dự án với 2.106 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng. Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng tới đây sẽ phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

"Về nguồn vốn, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án điều hành trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ", ông Hoàng Hải cho biết.

Để gỡ khó cho nguồn cung nhà ở hiện nay, ông Hoàng Hải cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

"Các địa phương phải đẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản", ông Hoàng Hải nói.

https://cand.com.vn/dia-oc/giao-dich-bat-dong-san-xuong-thap-ky-luc-i682047/

Phan Hoạt / cand.com.vn