Nhiều chuyên gia cho rằng AI có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nhưng số khác lại tin rằng AI sẽ tạo ra những loại công việc mới.
CEO Anthropic Dario Amodei cảnh báo AI có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 20% trong vòng 1 - 5 năm. Nhưng CEO Nvidia Jensen Huang cho rằng AI chỉ “giết việc làm” khi thế giới không còn ý tưởng. CEO DeepMind Demis Hassabis cũng xem “ngày tận thế việc làm” là mối lo phụ.

Hơn một nửa số người Mỹ lo ngại về tác động của AI đến nơi làm việc. (Nguồn: CNN)
Dù vậy, các hãng công nghệ vẫn đang cắt giảm hàng loạt nhân sự, khi AI được triển khai vào phần mềm và các nhiệm vụ lặp lại. Một số cảnh báo về AI mất việc có thể phản ánh chiến lược tiếp thị hoặc là cái cớ cho sa thải.
Theo khảo sát Pew, hơn một nửa người Mỹ lo ngại về AI, nhưng chỉ một phần ba tin rằng cơ hội việc làm sẽ thực sự giảm. Đồng thời, các sự cố của AI như chatbot Grok phát ngôn bài Do Thái lại cho thấy công nghệ này chưa thực sự hoàn thiện.
Giám đốc điều hành Gaurab Bansal từ Responsible Innovation Labs nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một sự tái cấu trúc phức tạp, không phải sự loại bỏ đơn giản.”

Tranh cãi về việc AI có thể thay thế con người trong công việc chưa bao giờ dứt. (Nguồn: Getty Images)
"Một hệ thống tư duy, lý luận"
Không giống các chatbot truyền thống, hệ thống “AI đại diện” đang phát triển có thể tự nhận mục tiêu và chia nhỏ thành chuỗi các bước để hoàn thành — mà không cần hướng dẫn từng bước.
Ví dụ, AI có thể tự lập trình một website dựa trên mô tả của người dùng, hoặc nghiên cứu tài liệu và biên soạn thành bản trình bày hoàn chỉnh. Anthropic và OpenAI đã giới thiệu các phiên bản có thể hoạt động gần như suốt ngày làm việc.
Swami Sivasubramanian, phó chủ tịch Amazon Web Services, ví AI như “một hệ thống tư duy, lý luận” có thể khai thác đa công cụ, mở rộng ứng dụng tại nơi làm việc.
Amazon dùng một AI đại diện nâng cấp 30.000 ứng dụng nội bộ chỉ trong 6 tháng — nhiệm vụ vốn cần 4.500 lập trình viên mỗi năm — giúp tiết kiệm khoảng 250 triệu USD. Meta, Microsoft và Salesforce đều cho biết 30–50% mã nguồn của họ hiện do AI viết.
Steven Adler, cựu nghiên cứu viên tại OpenAI, chia sẻ: “AI là phần mềm, không cần máy móc vật lý; dễ nâng cấp và triển khai với các công ty đã quen dùng dịch vụ đám mây.”
Một số công việc được thay thế, một số công việc được bổ sung
Dù những ngành như lập trình và phân tích dữ liệu đang thay đổi nhanh chóng, phần lớn công việc sẽ chỉ bị điều chỉnh - không biến mất. AI sẽ giúp tự động hóa các nhiệm vụ lặp lại, để con người có thêm thời gian cho những phần sáng tạo hoặc mang tính tương tác.
Ví dụ, bác sĩ có thể dùng AI ghi chép khám bệnh để tập trung hơn vào trò chuyện với bệnh nhân. Theo Yann LeCun (Meta), “hầu hết nhiệm vụ của hầu hết công việc không thể tự động hóa.”

AI sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới và cần người lao động có đủ kỹ năng cần thiết. (Ảnh minh họa)
Trưởng bộ phận học máy và cộng đồng Yacine Jernite từ Hugging Face cho rằng AI chỉ xử lý được một phần công việc; không thể thay thế hoàn toàn con người.
Các công ty và chính phủ đang đầu tư đào tạo lại nhân lực cho kỷ nguyên AI. Một học viện AI cho giáo viên đang được xây dựng tại New York, với 68 doanh nghiệp Mỹ cam kết hỗ trợ giáo dục AI cho thanh thiếu niên.

OpenAI là một trong những công ty AI đầu tư vào việc đào tạo nhân viên về cách sử dụng công nghệ này. (Nguồn: CNN)
CEO bộ phận IT Dennis Woodside của Freshworks cho biết: Công ty ông đang điều chuyển nhân viên từ vai trò phản ứng thụ động sang tương tác trực tiếp với khách hàng - trong khi phần việc lặp lại do AI đảm nhận.
Một số chuyên gia tin rằng AI sẽ tạo ra những loại công việc mới chưa thể hình dung - như thời kỳ Internet tạo ra các tập đoàn khổng lồ. “Sẽ có tăng trưởng việc làm tích cực, nhưng công việc sẽ khác,” theo Dan Priest, giám đốc AI của PwC.
Tuy nhiên, Jernite cảnh báo doanh nghiệp đôi khi hành động theo xu hướng, sa thải người vì "nghe nói AI sẽ thay thế" - rồi tuyển lại khi nhận ra cách sử dụng đó thiếu bền vững.
Steven Adler, cựu chuyên gia của OpenAI dự đoán năng suất tăng do AI sẽ khiến dư cung lao động, dẫn tới giảm lương nếu không có nhu cầu nhân sự tăng mạnh.
Để thích ứng với sự thay đổi sâu rộng do AI mang lại, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một khuôn khổ kinh tế mới phù hợp với thời đại. Hệ thống lao động hiện nay không còn đủ khả năng đáp ứng khi AI tái định hình vai trò con người. Một thỏa thuận xã hội mới là điều cần thiết để đảm bảo công bằng và bền vững cho người lao động.