Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, danh dự, động lực, sự tận tụy của các y, bác sĩ bị hành hung cũng như các nhân viên y tế khác.
- Nhiều bệnh viện bỗng dưng quá tải - vì sao?
- Bóp cổ cô giáo, đánh bác sĩ: Đồng tiền lên ngôi?
- Công an phát thông báo truy tìm trên toàn quốc kẻ đánh bác sĩ rách đầu
Chỉ trong ít ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 này đã xảy ra không ít vụ hành hung bác sĩ. Cụ thể, ngày 27-7, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh), bác sĩ P.H.T bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang cấp cứu. Tiếp đó, ngày 30-7, tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế. Và gần đây nhất, ngày 6-8, cũng tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định, lại thêm một bác sĩ bị tấn công bởi vật bằng sắt nhọn...
Không chỉ xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế, tình trạng trộm cắp, móc túi, “cò mồi”, bảo kê, tranh giành chở khách trước cổng các bệnh viện cũng thường xảy ra, gây mất an ninh trật tự… Thực tế, qua những vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý cho thấy, hầu hết đối tượng có hành vi gây mất an ninh trật tự thường hiểu biết pháp luật hạn chế. Bệnh viện nơi xảy ra những vụ hành hung thường khó khăn về cơ sở hạ tầng, quá tải người bệnh, thiếu trang bị, thiết bị an ninh, nhân viên bảo vệ vừa thiếu, vừa yếu về nghiệp vụ…
Để bảo đảm an ninh, an toàn bệnh viện, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là bản thân các đơn vị y tế cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cung cách phục vụ bệnh nhân, hạn chế thấp nhất sự quá tải bệnh viện, phục vụ bệnh nhân chu đáo, tận tình. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở vật chất liên quan đến trang, thiết bị về an ninh, an toàn, lựa chọn sử dụng dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp. Từng cơ sở y tế thường xuyên nhắc nhở tinh thần cảnh giác của người bệnh và người nhà bệnh nhân trước thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp…
Đối với ngành Y tế, cần tiếp tục phối hợp với ngành Công an thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp về công tác an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, nhiệm vụ cụ thể là tăng cường bảo đảm an ninh trật tự khu vực xung quanh và trước các cổng bệnh viện. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trang bị hoàn thiện các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an ninh tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ cho bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, hành hung... tại cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của cơ quan công an nơi gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện để hỗ trợ khẩn cấp khi cần thiết. Đặc biệt, cần điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có hành vi phạm tội).
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần cảnh giác và giữ an toàn cho bản thân cũng như nâng cao ý thức khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh, thực hiện văn hóa, văn minh nơi công cộng. Đặc biệt, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu mất an ninh, an toàn tại bệnh viện để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/1039256/giu-an-ninh-an-toan-benh-vien