Anh trải qua mùa đông thứ 2 cùng đại dịch Covid-19, giá lương thực tăng, chi phí năng lượng cao, việc giảm phúc lợi đang gây áp lực rất lớn lên nhiều hộ gia đình.
Kể cả có việc làm, nhiều người dân London vẫn tìm đến các ngân hàng thực phẩm hỗ trợ đồ ăn miễn phí vì chi tiêu quá eo hẹp |
Người gặp khó khăn tăng vọt
Trong một khu phố sang trọng ở phía Tây London, ngày càng có nhiều người ghé thăm một cửa hàng thực phẩm miễn phí và chỉ phục vụ cho những người kém may mắn. Dad’s House là một trong 2.200 ngân hàng thực phẩm ở Vương quốc Anh hỗ trợ những người Anh đang gặp khó khăn trong việc trang trải nhu cầu thiết yếu. Billy McGranaghan, người sáng lập Dad’s House cho rằng, “tương lai thật ảm đạm” đối với những người thường xuyên đến cửa hàng của ông.
Ông McGranaghan, 58 tuổi, ước tính rằng ông có thêm 70 người đến nhận thực phẩm miễn phí kể từ giữa tháng 9, tổng số là trên 300 đến 400 người được phục vụ mỗi tuần. Trước đây, trong thời gian đại dịch, Dad's House đã phục vụ đối tượng là các giáo viên, nhà thiết kế đồ họa và nhà báo. Họ đến đây thông qua sự giới thiệu từ chính quyền địa phương hoặc tìm hỗ trợ trực tuyến. Nhưng hiện nay, khách hàng mới có xu hướng trẻ hơn và độc thân. Và mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp và lượng công việc cần tuyển dụng vẫn gia tăng, ông McGranaghan dự đoán sẽ có sự gia tăng lớn đối với những người dựa vào ngân hàng thực phẩm trong vài tháng tới. “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng trở lại… vì giá điện, vì khí đốt, vì sắp hết trợ giá”, ông chủ McGranaghan nói.
Bà Marie, 63 tuổi, lần đầu tiên đến Dad’s House 4 tháng trước và hiện giờ luôn lo lắng về hóa đơn khí đốt trong mùa đông tới. Chồng bà Marie có vấn đề về tuần hoàn máu, vì vậy việc duy trì một ngôi nhà ấm áp là cần thiết. “Là những người tiêu dùng thông thái, chúng tôi ăn chừng mực, không thích những món ăn sang trọng. Nhưng giá năng lượng không bao giờ giảm, đó là nỗi lo thường trực của chúng tôi”.
Tại một ngân hàng thực phẩm khác ở London, hình thức mà họ phục vụ là bữa tối miễn phí cho khoảng 100 người. Robert Hunningher, 42 tuổi, đã chuyển một phần công việc kinh doanh ăn uống của gia đình thành một ngân hàng thực phẩm vào tháng 5 năm ngoái, phục vụ tối đa 1.000 người mỗi tuần trong thời gian đóng cửa. Ông cho biết, số lượng khách đã tăng vọt lên đến 250 người mỗi tuần kể từ cuối tháng 9-2021. Đối tượng khá đa dạng, từ giáo viên cho đến vận động viên quần vợt bán chuyên nghiệp. “Ngay cả khi bạn có một công việc vẫn có khả năng không đủ sống ở đây. Mọi thứ đều nằm ngoài tầm tay vì giá cả tăng cao”, ông Hunningher nói.
Lý giải nguyên nhân
Chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng cao đã đẩy hóa đơn của hàng triệu hộ gia đình người Anh lên cao. Từ đầu năm tới nay, giá khí đốt đã tăng 423%, nguyên nhân do nhu cầu từ châu Á tăng lên và sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga thấp hơn dự kiến. Giá năng lượng tăng cao xảy ra trên khắp châu Âu, nhưng lượng khí dự trữ tương đối thấp của Anh khiến nước này đặc biệt nhạy cảm với thị trường năng lượng đầy biến động. Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng lạm phát gia tăng ở Vương quốc Anh, kết hợp với tăng trưởng kinh tế yếu, có thể dẫn đến thời kỳ “lạm phát đình trệ” từng xảy ra ở những năm 1970, khi tiền lương không theo kịp với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Sau khi hoàn thành gói chương trình phòng chống đại dịch 69 tỷ bảng Anh (95 tỷ USD), Chính phủ Anh đã dừng hẳn các khoản thanh toán cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong đại dịch vào tháng 9-2021. Đầu tháng 10-2021, Anh tiếp tục cắt giảm Tín dụng Phổ thông - khoản phúc lợi dành cho những người thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp, trở lại mức trước đại dịch. Điều này có nghĩa là hơn 5,8 triệu người đã mất 20 bảng/tuần, tương đương 1.040 bảng/năm.
“20 bảng đối với người khác có thể chẳng là gì, nhưng đối với tôi nó rất hữu ích, đặc biệt là gia đình có con nhỏ”, Amina, một khách hàng của ngân hàng thực phẩm với gia đình có 5 miệng ăn nói. “Khi bạn quen với việc có thứ gì đó và tự nhiên mất đi, bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt. Thành thật mà nói, chúng tôi không biết xoay xở thế nào”.
Các ngân hàng thực phẩm của London từng rất bận rộn trước đại dịch Covid-19. Và trong những tuần gần đây, các địa điểm này đã chứng kiến một lượng người đến tăng vọt. Người dân tìm đến đây để có được sự trợ giúp về những mặt hàng thiết yếu sau khi chính phủ kết thúc chương trình trợ cấp hàng triệu việc làm trong thời kỳ đại dịch và giảm chi trả phúc lợi cho những người có thu nhập thấp hơn. |
Yến Chi (Theo CNN)
Bình Dương phải sớm giải ngân xong gói hỗ trợ người ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Vaccine Covid-19 cứu sống 27.000 người Anh |
Nam sinh quê Long An mắc COVID-19 phổi đông đặc nặng như phi công người Anh |