Cuối cùng dịch vụ công là phục vụ dân, vì dân hay là vì người giàu, phục vụ người giàu?

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong bệnh viện công lại hình thành hai mức giá giành cho dân thường và người giàu là phân biệt đối xử.

giuong dich vu 4 trieungay tai benh vien cong phuc vu ai
Dịch vụ khám chữa bệnh thu tiền giá cao nên được tách riêng hoặc để tư nhân làm. Ảnh: Viettimes

Ông Tiến cho biết, do nhu cầu phát triển, đời sống con người cũng được nâng lên do đó, đòi hỏi về một dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao hơn, chuyên môn tốt hơn, tốn nhiều tiền hơn là phù hợp.

Nhất là trước xu hướng ra nước ngoài học, ra nước ngoài khám chữa bệnh khiến Việt Nam mỗi năm mất nhiều tỉ USD, việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh để giữ chân người bệnh có tiền, ngăn chặn tình trạng chảy máu nguồn lực là cần thiết và phải làm. Vấn đề là làm như thế nào cho hiệu quả và phù hợp.

Theo ông Tiến, ở các nước mô hình y tế hoạt động theo hai hướng tách bạch rõ ràng đó là, y tế toàn dân và y tế cho người giàu.

Y tế toàn dân (y tế công), là dịch vụ xã hội được nhà nước rất quan tâm, ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... nhằm phục vụ tối đa nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Với loại hình dịch vụ này, mọi chi phí ở mức thấp nhất, thậm chí nhiều nước miễn giảm hoàn toàn viện phí cho người dân. Việt Nam lại làm ngược lại.

Còn đối với dịch vụ theo yêu cầu (hay còn gọi là dịch vụ y tế chất lượng cao) được xây dựng tách biệt hoàn toàn hoặc giao cho tư nhân làm. Toàn bộ chi phí đầu tư đều do tư nhân hoặc bệnh viện tự bỏ tiền chi trả, ngân sách không đầu tư một đồng vào đây.

Trở lại đề xuất trong dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, ông Tiến cho rằng, với mức phí khám chữa bệnh theo yêu cầu tại những bệnh viện đặc biệt hoặc hạng 1 tối đa là 500.000 đồng/người/lần. Giá giường dịch vụ tối đa là 4 triệu/người/ngày. Điều này dựa trên cơ sở nào?

Ông Tiến phân tích:

Thứ nhất, các bệnh viện hạng 1 hay hạng đặc biệt như: Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... đều là những bệnh viện công, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn toàn bằng tiền ngân sách của nhà nước, từ tiền thuế của dân, tức là bệnh viện của dân thì giá dịch vụ phải rất bình dân chứ sao lại phân biệt giá người giàu với người nghèo?

Đồng ý, yêu cầu phải có những bệnh viện hoặc các khu khám chữa bệnh cao giành cho người có tiền là phù hợp, tuy nhiên, việc đó phải được tính toán rõ ràng, hạch toán riêng biệt, không có sự nhập nhèm giữa công với tư. Dù vậy, quan điểm cũng nên tách riêng hoàn toàn khu chất lượng cao với khu dịch vụ công để bảo đảm tính công bằng cũng như bảo đảm được chất lượng trong quá trình khám chữa bệnh.

Ví dụ trong trường hợp bệnh viện Bạch Mai, đây là bệnh viện tuyến trung ương mà thông thường các bệnh nhân tuyến dưới khi gặp nguy hiểm, không chữa được đều phải lên đây. Với những bệnh viện này phải được nhà nước trợ giúp rất đặc biệt chứ không có chuyện phân biệt bệnh viện loại 1, hay hạng đặc biệt làm cơ sở xây dựng các mức giá khám chữa bệnh, đẩy giá dịch vụ lên cao.

Điều này không công bằng ở chỗ, đây là tài sản công, phải phục vụ mục đích công, không phân biệt đối xử bất kỳ đối tượng giàu, nghèo, có tiền hay không có tiền.

Hơn nữa, khi xây dựng dịch vụ cao trong bệnh viện công sẽ nảy sinh tình trạng các bác sĩ giỏi, có chuyên môn tốt đều muốn chạy sang khu chất lượng cao, khám cho người giàu, có nhiều tiền hơn thì thu nhập tốt hơn, còn người nghèo, ai sẽ phục vụ và khám chữa bệnh cho họ?

Như vậy, nếu muốn được bác sĩ khám chữa bệnh tốt bắt buộc người dân nghèo cũng phải chạy đua với người giàu, phải bán gà, bán lợn lấy tiền khám giá cao, chọn bác sĩ tốt. Hoặc nếu không lại nảy sinh tiêu cực, bị bác sĩ hạch sách, vặn vẹo, gây khó dễ buộc phải đưa phong bì. Việc này Bộ Y tế đã tính tới chưa?

Cũng giống câu chuyện giáo dục công lâu nay đã gây nhiều tranh cãi, trong đó cũng có chuyện mở ra các lớp chất lượng cao trong trường công để thu tiền giá cao gây bức xúc.

Nếu đó là những trường học, bệnh viện được đầu tư hoàn toàn bằng kinh phí tư nhân hoặc kinh phí độc lập của bệnh viện sẽ không có ai phản đối. Bệnh viện, trường học có thể thu cả triệu USD mỗi tháng đó cũng là chuyện bình thường nhưng không thể gộp ở viện công.

Thứ hai, mục đích của viện công là dịch vụ công nên không thể coi giá dịch vụ là quan trọng mà phải coi mục tiêu phục vụ nhân dân mới là quan trọng. Tuy nhiên, với động thái vừa rồi của ngành y tế, người ta đặt nghi vấn, ngành y tế đang không hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân mà đang hướng tới mục tiêu thu cho được nhiều tiền bằng các dịch vụ giá cao. Như vậy là đang đi ngược lại với mục tiêu, mục đích của một dịch vụ công đã được đặt ra.

Thứ ba, việc sử dụng dịch vụ công để đầu tư mở rộng dịch vụ cao cũng rất dễ dẫn tới nhập nhèm, thất thoát, không cẩn thận cuối cùng lại là người nghèo phục vụ người giàu chứ không phải người giàu chia sẻ với người nghèo.

Hoàn toàn có quyền đặt nghi ngờ trong chuyện mang hạ tầng nhà nước đi phục vụ lợi ích cho một nhóm người nào đó.

Ông Tiến cho rằng, qua sự việc cần có cái nhìn và đánh giá lại, đặc biệt cần trả lời được câu hỏi:

"Cuối cùng dịch vụ công là phục vụ dân, vì dân hay là vì người giàu, phục vụ người giàu?", ông Tiến đặt câu hỏi.

giuong dich vu 4 trieungay tai benh vien cong phuc vu ai Giường dịch vụ 4 triệu/ngày tại bệnh viện công: Ưu tiên ai?
giuong dich vu 4 trieungay tai benh vien cong phuc vu ai Giá giường dịch vụ ở bệnh viện công tối đa 4.000.000 đồng/ ngày
giuong dich vu 4 trieungay tai benh vien cong phuc vu ai Soi "máy hút tinh trùng" của Trung Quốc khiến dân mạng "phát cuồng"

/ baodatviet.vn