Các quan chức chống độc quyền hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ quyết định yêu cầu một thẩm phán buộc Google bán trình duyệt Chrome.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là động thái hạn chế mang tính lịch sử đối với một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, Bộ Tư pháp Mỹ cũng sẽ yêu cầu thẩm phán liên bang Amit Mehta đưa ra các biện pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh Android của Google, cũng như các yêu cầu cấp phép dữ liệu. 

Nếu thẩm phán thực hiện các đề xuất, điều này có khả năng định hình lại thị trường tìm kiếm trực tuyến và ngành công nghiệp AI đang phát triển mạnh mẽ. Vụ kiện Google được đệ trình dưới thời chính quyền đầu tiên của ông Donald Trump và tiếp tục dưới thời ông Joe Biden, là nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm kiềm chế một công ty công nghệ kể từ khi Washington không thành công trong việc chia tách Microsoft hai thập kỷ trước.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lee-Anne Mulholland, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google, cho biết rằng Bộ Tư pháp Mỹ "tiếp tục thúc đẩy một chương trình nghị sự vượt ra khỏi phạm vi các vấn đề pháp lý", rằng "việc chính phủ can thiệp theo những cách này sẽ gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ vào đúng thời điểm cần thiết nhất".

Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận.

Cổ phiếu Google giảm tới 1,8% xuống còn 172,16 USD vào cuối phiên giao dịch. Cổ phiếu này từng tăng 25% trong năm nay.

Cụ thể các đề xuất

 

Những người thực thi luật chống độc quyền muốn thẩm phán ra lệnh cho Google bán Chrome - trình duyệt được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới - vì đây là điểm truy cập chính để nhiều người sử dụng công cụ tìm kiếm của Google.

Nếu các biện pháp khác được khuyến nghị có thể tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn, việc Google có phải bán Chrome hay không có thể được quyết định sau.

Theo StatCounter, một dịch vụ phân tích lưu lượng truy cập web, trình duyệt Chrome kiểm soát khoảng 61% thị trường tại Mỹ. 

Thẩm phán Mehta vào tháng 8 phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền trên cả thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo văn bản tìm kiếm. Công ty có kế hoạch kháng cáo.

Thẩm phán ấn định phiên điều trần kéo dài hai tuần vào tháng 4 về những thay đổi mà Google phải thực hiện để khắc phục hành vi bất hợp pháp và có kế hoạch đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 8/2025.

Các cơ quan nhất trí khuyến nghị rằng Google phải được yêu cầu cấp phép cho các kết quả và dữ liệu từ công cụ tìm kiếm của mình và cung cấp cho các trang web nhiều tùy chọn hơn để ngăn nội dung của họ bị các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Google sử dụng.

Các đề xuất cũng bao gồm việc Google tách hệ điều hành điện thoại thông minh Android khỏi các sản phẩm khác của mình, như chức năng tìm kiếm và cửa hàng ứng dụng di động Google Play, hiện được bán theo gói, Google cũng được đề xuất chia sẻ nhiều thông tin hơn với các nhà quảng cáo và trao cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với nơi quảng cáo của họ xuất hiện.

Google hiện hiển thị các câu trả lời dựa trên trí tuệ nhân tạo ở đầu các trang tìm kiếm của mình - gọi là "AI Tóm tắt". Mặc dù các trang web có thể chọn không cho Google sử dụng thông tin của họ để tạo mô hình AI, nhưng họ không thể chọn không tham gia phần tóm tắt vì điều đó có nguy cơ đẩy họ xuống thấp trong kết quả tìm kiếm, khiến việc tiếp cận khách hàng của họ trở nên khó khăn hơn.

Các nhà xuất bản trang web phàn nàn rằng tính năng này làm giảm lưu lượng truy cập và tiền quảng cáo vì người dùng hiếm khi nhấp vào để xem dữ liệu được sử dụng trong phần tóm tắt đó. 

https://vtcnews.vn/google-doi-mat-dong-thai-lich-su-cua-toa-an-ar908186.html

Phương Anh (Nguồn: Bloomberg ) / VTC News