- GS Thalappil Pradeep tạo ra hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng, giá 1 lít nước sạch chỉ 0,0003 USD - khoảng 7 đồng Việt Nam.

Năm nay, giải Đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học đến từ nước đang phát triển được trao cho giáo sư Thalappil Pradeep (sinh năm 1963, ở Ấn Độ) vì những đóng góp của ông trong việc phát triển hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng với chi phí thấp. Nghiên cứu của ông góp phần mang lại nguồn nước sạch cho hàng trăm triệu người sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm trên thế giới.

GS Ấn Độ tạo ra hệ thống lọc nước, 1 lít giá 7 đồng đoạt giải Đặc biệt VinFuture - 1

Giáo sư Thalappil Pradeep.

Cha đẻ công nghệ lọc nano

Nhận được giải thưởng trị giá 500.000 USD, giáo sư Thalappil Pradeep ngạc nhiên bởi phát kiến của bản thân mới chỉ giải quyết được một phần trong vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, "không ngờ điều đó lại được quốc tế công nhận và đánh giá cao".

Ông coi giải thưởng như một món quà để dành tặng cho gia đình, đồng nghiệp và nhiều người đang thiếu nước sạch khắp nơi trên thế giới.

Trước khi đến với nghiên cứu phát triển hệ thống lọc nước nhiễm asen, ông Thalappil xuất phát điểm một nhà hoá học, nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản.

Năm 2002, Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng về vấn đề ô nhiễm nguồn nước, dư lượng thuốc trừ sâu tồn lại cao hơn giới hạn từ 14 đến 20 lần. Khi ấy, truyền thông và giới quan chức ở Ấn Độ ví đây là vụ đầu độc hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Thậm chí, ngay cả phân xưởng sản xuất của hai tập đoàn nước ngọt lớn nhất thế giới Coca - Cola và Pepsi đặt tại Ấn Độ cũng một phen lao đao vì trong nước ngọt có nhiễm thuốc trừ sâu. Nguyên nhân là do nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu và nguồn nước đó được sử dụng cho sản xuất.

"Tôi và các nhà khoa học làm việc liên tục trong nhiều tháng liền, đi khắp nơi trên đất nước. Nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm làm về khoa học cơ bản, tôi tìm ra một loại chất hóa học gọi là chất xúc tác khử - công nghệ nano, loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu ra khởi nước. Đó là điểm khởi đầu mà tôi quyết định chuyển từ nghiên cứu khoa học cơ bản sang tạo ra nguồn nước sạch phục vụ người dân", ông nói.

Đến năm 2015, vấn đề nước nhiễm thuốc trừ sâu ở Ấn Độ cơ bản được giải quyết tốt và ông GS Thalappil nhận bằng sáng chế đầu tiên cho công nghệ lọc nano.

Công trình tạo đột phá

Thành công với công nghệ nano, ông tiếp tục tìm đến các nhà sản xuất máy lọc nước lớn nhất để nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề tồn tại để tìm cách giải quyết tốt hơn các vấn đề nước sạch cho người dân. "Số lượng nước trên toàn cầu khối lượng không đổi. Ta buộc phải sử dụng nguồn nước hạn chế ấy, nhưng làm sao sử dụng xong sẽ tái sử dụng lại và hạn chế tối đa chất bẩn trong mỗi lần sử dụng", bài toán này được ông đặt ra từ hơn 10 năm qua và vẫn đang tiếp tục theo đuổi. 

Vấn đề lớn thứ hai được ông Thalappil lựa chọn là loại bỏ các chất độc Asen, kim loại nặng ra khỏi nguồn nước sử dụng của người dân hàng ngày. 

GS Ấn Độ tạo ra hệ thống lọc nước, 1 lít giá 7 đồng đoạt giải Đặc biệt VinFuture - 2

 GS Thalappil chia sẻ về nghiên cứu loại bỏ Asen ra khỏi nguồn nước.

Theo vị giáo sư 60 tuổi, chất độc asen đi vào cơ thể con người không gây hại ngay mà nó sẽ tích tụ và phát tác ra ngoài sau thời gian 5 - 20 năm. Trước đó, từng có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu lọc Asen ra khỏi nguồn nước, nhưng giá thành đắt, chi phí vận hành cao, nhiều loại máy lọc cỡ lớn, người dân bình thường của Ấn Độ "không đời nào" tiếp cận được. 

"Tôi và các nhà khoa học trong nhóm đặt mục tiêu tìm ra giải pháp lọc gần như không tốn kém, tất cả mọi người, kể cả những gia đình nghèo nhất Ấn Độ cũng có thể sử dụng được. Tôi phát hiện các hạt nano kim loại có thể phá vỡ các liên kết đã kết nối và vận chuyển Asen trong nước ngầm, giúp làm sạch nước với chi phí rất thấp. Thành quả cho ra là 1 lít nước sạch chỉ có giá 0,003 USD đã bao gồm tất cả nguyên vật liệu tiêu hao và bảo trì (tương đương với 7 đồng)", ông nói.

Đặc biệt, công trình có thể phát huy hiệu quả mà không cần sử dụng nguồn điện, mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho hàng triệu hộ gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.

"Tôi mất vài tháng để tìm ra giải pháp này nhưng để đưa vào thực tiễn và nhân rộng thì cần tới hơn 8 năm qua để chứng minh. Thời gian này có thể là rút ngắn hơn một chút nhưng không nhanh hơn được", vị giáo sự nói.

Đến nay, hệ thống lọc nước nhiễm Asen được lắp đặt ở nhiều nơi tại Ấn Độ, những nơi nguồn nước bị nhiễm sắt, urani và asen, cung cấp nước uống sạch cho khoảng 1,3 triệu người mỗi ngày. Ông hy vọng hệ thống sẽ được ứng dụng trên khắp thế giới để giải quyết vấn đề nước sạch cho khoảng 785 triệu người.

Bên cạnh đó ông và đồng nghiệp phải tính toán tới vật liệu có yếu tố bền vững. Các vật liệu này không nên gây ra bất kỳ tác động môi trường nào. Như vậy, ba yếu tố trọng tâm chính là giá thành, không gây tổn hại đến môi trường và tính bền vững.

Ông cũng rất hào hứng nếu công nghệ này sớm được áp dụng ở Việt Nam, nhất là các vùng có nguồn nước bị nhiễm Asen. 

Từng không có dép để đi

GS Thalappil nhắc tới quá khứ khi còn là cậu bé sinh ra ở làng quê nghèo, năm ông 21 tuổi mới bắt đầu có điện. Thơ ấu trong ông là những ngày đi bộ chân trần hơn 4 cây số qua cánh đồng lúa đến trường.

Ông bảo so với nhiều người, ít ra bản thân vẫn đủ đồ ăn nhưng cũng chỉ vỏn vẹn mặc 2 bộ đồng phục. Ban đầu, cậu bé nghèo mong muốn theo học ngành ngôn ngữ, nhưng sau đó sớm nảy sinh hứng thú với môn Hoá học. "Thật thú vị khi trộn các chất lại với nhau, môn Hóa học cũng có màu sắc mùi vị, lãng mạn như thơ ca, điều mà người bố nhà thơ của tôi theo đuổi", GS Thalappil nói.

GS Ấn Độ tạo ra hệ thống lọc nước, 1 lít giá 7 đồng đoạt giải Đặc biệt VinFuture - 3
 

Tình yêu với hoá học nhen nhóm dần và nảy nở khi ông theo học ở trường đại học hàng đầu ở Ấn Độ. Đó là khoảng thời gian ông gặp được nhiều giáo sư và những gương mặt nổi tiếng. "Thế giới khoa học mở ra trước mắt tôi. Vài năm trước đọc sách là buồn ngủ, nhưng khi gặp được người tuyệt vời rồi, không đọc sách hoá tôi lại không ngủ được", ông nói và kể thêm sự thay đổi đó nhờ khoa học mang lại.

Ở trường, nhóm của GS Thalappil nghiên cứu về hệ thống liên kết lỏng, tần số sóng rung. Khi thành giảng viên, nhà nghiên cứu, ông luôn không ngừng tự đặt câu hỏi sẽ giúp được gì cho người Ấn Độ.

Kể thêm về cuộc sống, ông thừa nhận "24h là không đủ cho một người làm nghiên cứu", và ông luôn phải "vay" thời gian của gia đình. Song với Thalappil, người không đeo theo bất cứ phụ kiện đắt đỏ nào, mọi điều ông tìm kiếm đều dành cho người khác.

Ông Thalappil Pradeep sinh ngày 8/7/1963 tại Ấn Độ. Cha mẹ ông là giáo viên, cha của ông cũng là một nhà văn lớn của Ấn Độ, với bút danh N. N. Thalappil. 

Ông từng theo học cấp 1 tại trường học Mookkuthala của Chính phủ, nơi bố mẹ ông cũng đang giảng dạy. Sau đó, ông theo học, lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Calicut và bằng tiến sĩ Vật lý tại Viện Khoa học Ấn Độ.

Nhà khoa học 1963 này đang làm việc tại Viện Công nghệ Ấn Độ Madras. Ông nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu phân tử và bề mặt. Các vật liệu và hiện tượng mà ông khám phá được áp dụng cho việc lọc làm sạch nước và môi trường với chi phí thấp. Một số nghiên cứu của ông được chuyển thành các sản phẩm áp dụng trong cuộc sống thường ngày.

Năm 2020, ông nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới và giải thưởng Nikkei châu Á năm 2020.

https://vtc.vn/gs-an-do-tao-ra-he-thong-loc-nuoc-1-lit-gia-7-dong-doat-giai-dac-biet-vinfuture-ar722303.html

HÀ CƯỜNG / Theo VTC News