Hơn 2.000 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 60 nghìn hecta nhưng vẫn “đất không nhà trống” là một sự lãng phí tài nguyên, nguồn lực phát triển vô cùng to lớn. Sớm xử lý các dự án này là việc cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là không để xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai. Xem xét sửa đổi cơ chế thu hồi đất trong Luật Đất đai hiện hành là một phần trọng yếu để giải quyết bài toán trên.

Cả nước hiện có 3.088 dự án, công trình đang chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80,4 nghìn hecta, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng với tổng diện tích hơn 60,3 nghìn hecta. Số liệu này chưa thực sự đầy đủ bởi mới chỉ tổng hợp từ báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố.

Riêng tại Hà Nội, theo số liệu phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới đây, thành phố có tới 337 công trình, dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

Các dự án treo không chỉ làm lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai; ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương mà còn gây bức xúc trong dư luận nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Thậm chí có những dự án kéo dài hai thập kỷ, “vắt” qua dăm ba nhiệm kỳ lãnh đạo vẫn không có dấu hiệu nhúc nhích, đất đai để hoang, cỏ mọc xanh rì.

Không ít doanh nghiệp nói dự án treo là bất đắc dĩ, và rằng doanh nghiệp cũng là “nạn nhân”. Một vị giám đốc cho biết, dự án của ông trên diện tích 20ha, đã giải phóng được 15ha nhưng còn 5ha nữa người dân không đồng ý nhận tiền đền bù. Vậy là dự án bất động gần 15 năm nay, còn doanh nghiệp thì tiến thoái lưỡng nan, rút chân không được, làm tiếp cũng không xong.

Bên cạnh đó tất nhiên cũng có những nhà đầu tư lập dự án chỉ để “ôm đất”, giữ đất, không chịu thực hiện các thủ tục để triển khai. Đồng thời, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp thân hữu thâu tóm các dự án đất vàng, đắc địa, khiến các nhà đầu tư chân chính, có năng lực thì bị gây khó khăn, trong khi doanh nghiệp thân hữu thiếu năng lực thì nghiễm nhiên có đất, để dự án treo hoang hóa…

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án...

Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng này cần giải quyết vấn đề từ gốc. Đó là Nhà nước không đứng ra thu hồi đất “hộ” doanh nghiệp, tức là Nhà nước không đứng ra thu hồi đất rồi giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh tế; và đánh thuế cao với đất, đặc biệt là đất không sử dụng.

Khi doanh nghiệp cần đất để làm dự án, họ phải thỏa thuận qua cơ chế dân sự với người dân để “mua” quyền sử dụng. Thoả thuận dân sự giúp hài hòa lợi ích: người dân đã bán với mức giá mình mong muốn, dựa trên quyết định tự nguyện sẽ không còn chuyện bức xúc, khiếu nại như bị thu hồi, đền bù. Ngược lại, doanh nghiệp khi phải bỏ tiền đúng giá thị trường sẽ phải lo lắng đến tính hiệu quả khi khai thác tài sản đất đai đã mua. Như thế nghĩa là doanh nghiệp không muốn “treo” dự án nữa.

Thuế là công cụ tiếp theo để người có đất (theo quy trình mua bán dân sự) cũng không thể “treo” - bởi “treo” sẽ phải nộp thuế lớn. Điều này kích thích việc chuyển nhượng dự án nếu không có nhu cầu sử dụng; như vậy đất sẽ luôn đến được đến tay người có nhu cầu.

Giải phóng nguồn lực đất đai và tăng hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là yêu cầu đặt ra trong sửa đổi chính sách đất đai. Sửa Luật Đất đai 2013 cần phải đáp ứng được điều kiện cần đó. Đó chính là bỏ hẳn cơ chế địa phương thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển hẳn sang cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo con đường dân sự.

 
Hà Lan