Để có vốn triển khai, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép huy động vốn từ 6 nguồn, trong đó có việc bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung vào 2 khu hành chính Vân Hồ, Võ Chí Công. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm này là cần thiết nhưng phải tính toán cho phù hợp, tránh “vỡ quy hoạch” nội đô.
Đừng “đè” lên vết xe đổ
UBND TP.Hà Nội vừa trình Chính phủ văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn. Tổng mức đầu tư của 3 dự án trên khoảng 125.000 tỉ đồng, trong đó hai dự án đã có doanh nghiệp đề xuất đầu tư theo hình thức BT, dự án còn lại do Hà Nội làm chủ đầu tư.
Để có vốn triển khai, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép huy động vốn từ 6 nguồn trong thời gian 8 năm (2018 - 2025), cụ thể như: Tiết kiệm chi thường xuyên; tăng thu ngân sách thành phố; nguồn thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020; bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung vào 2 khu hành chính: Vân Hồ, Võ Chí Công; đấu giá quyền sử dụng đất và phát hành trái phiếu trong trường hợp các nguồn lực trên chưa đủ hoặc chưa kịp thời.
Việc xây dựng đường sắt đô thị trong thời điểm hiện nay là một bài toán cần thiết, giải quyết được giao thông công cộng. Tuy nhiên, khi Hà Nội đề xuất bán các trụ sở, ngành để lấy tiền thì cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Một số chuyên gia cho rằng, mấu chốt là phải hài hòa giữa các lợi ích.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội: Đừng vì mục tiêu mà lại gây áp lực. Những bài học cũ như tuyến đường Lê Văn Lương và một số tuyến đường khác thì không nên đè lên.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong cơ chế xin đặc thù của Hà Nội vừa qua đối với T.Ư thì có xin cơ chế đặc thù về nguồn lực, thì đây là 1 trong những nguồn lực đáng phải quan tâm, rất hoan nghênh. Nhưng vấn đề đặt ra là đừng vì nguồn lực đó mà cho họ xây dựng theo yêu cầu của họ để đảm bảo mục tiêu kinh doanh.
“Phải đảm bảo mục tiêu quy hoạch đã xác định. Cái này là chưa ai đặt ra. Ví dụ Sở Quy hoạch Kiến trúc, bán để anh làm cái gì? Chứ không phải để anh làm chung cư hay các công trình gây áp lực thêm cho giao thông nữa. Những cái này TP cần phải nghiên cứu kỹ” - ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích, khi Hà Nội muốn bán Sở ngành đi để đầu tư thì phải nêu mục tiêu được sử dụng là gì, tức là hiện nay TP.Hà Nội có thuận lợi là gần đủ các quy hoạch phân khu. Vậy, phải căn cứ vào những quy hoạch ấy để xác định mục tiêu của các trụ sở, chứ không phải tập trung xây dựng các chung cư cao tầng, mà nên tập trung xây dựng các công trình công cộng. Đấy là việc nên làm.
“Bài học kinh nghiệm của các bộ, ngành vừa qua là khi họ di dời, họ lại xây dựng theo yêu cầu của họ, thậm chí Hà Nội còn điều chỉnh quy hoạch để cho họ được xây dựng, để cho họ đủ vốn để họ làm. Chúng ta phải rút kinh nghiệm về việc này” - ông Đào Ngọc Nghiêm nói thêm.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng nói thêm, bài học kinh nghiệm của Malaysia khi họ di dời trụ sở ban, ngành ở thủ đô thì ngoài chuyện di dời các bộ ngành, nó còn có yêu cầu xây dựng khu nhà ở cho cán bộ viên chức ở gần đấy với giá ưu tiên và chính sách đặc thù.
Ví dụ cán bộ tương đương cấp vụ trở lên thì được cấp nhà. Cán bộ cấp dưới thì được miễn giảm tiền mua nhà, như vậy mới không gây áp lực cho nội đô. Phải cân đối, phải có cái nhìn tổng thế từ bài học kinh nghiệm các nước.
Không để lãng phí, lợi ích nhóm
Cùng về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB GTVT cho rằng: Trong một đô thị, thành phố có đến 10 triệu dân thì việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là điều hết sức nên làm. Đường sắt đô thị có khả năng vận chuyển và giải tỏa người gấp nhiều lần các phương tiện công cộng khác như xe buýt, taxi… Ở nhiều đô thị trên thế giới, đây được xem là động mạch chủ của đô thị.
Tuy nhiên cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng trong vấn đề chọn quy hoạch, chọn tuyến nào làm đường sắt đô thị. Phải dự báo được lượng dân cư, người sử dụng và công năng của tuyến đường này để phát huy được hiệu quả kinh tế. Nếu lựa chọn ở những khu ít dân cư, tuyến vắng thì chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Để đảm bảo đường sắt đô thị đi đúng hướng, cần có quy hoạch hợp lý. Kinh nghiệm các nước trên thế giới, các tuyến đường sắt đô thị thường không quá dài, không phải chỉ “độc đạo” một đường dài mà thường làm theo phương pháp “nở hoa”, phát triển nhiều tuyến ngắn trong thành phố để phục vụ nhu cầu đi lại có người dân.
Liên quan đến vấn đề các phương án mà TP.Hà Nội huy động vốn thời gian gần đây, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đặc biệt lưu ý tới việc thành phố xin bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung vào 2 khu hành chính: Vân Hồ, Võ Chí Công để huy động vốn.
“Việc này cần phải hết sức thận trọng. Không nên “bán hết 100% đất ở những khu vực này. Nếu bán những khu này rồi sau đó lại xây nên các cao ốc, nhà cao tầng thì đô thị sẽ càng thêm nghẹt thở, khả năng tắc nghẽn giao thông sẽ càng cao. Mặt khác, thành phố hiện nay đang rất thiếu các bãi đỗ xe, công viên cây xanh và hệ thống giao thông khá hẹp do đó nên tính toán để ưu tiên vấn đề này. Có những hạ tầng cơ bản thì chúng ta mới tạo được sự thuận tiện trong việc kết nối giao thông đô thị” - ông Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, giao cho người có năng lực và phải có trách nhiệm khi tính giá cả thi công đường sắt đô thị ở Việt Nam. Ở các nước trên thế giới trung bình cũng chỉ có 90 triệu USD/km nhưng ở ta có phương án lên tới 97 triệu USD/km như vậy là rất bất hợp lý, lãng phí, tốn kém. Bởi ở ta vật tư rẻ hơn, nhân công rẻ hơn...
Bên cạnh đó, về vấn đề lựa chọn nhà thầu xây dựng phải hết sức chặt chẽ, có những điều khoản ràng buộc, có trách nhiệm rõ ràng. Bài học kinh nghiệm từ việc đội vốn của những tuyến đường sắt đô thị Hà Nội hiện nay khiến người dân khá bức xúc. Do đó cần phải tính toán rất chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của các bên.
Phải lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực đồng thời có các điều khoản thưởng, phạt rõ ràng nếu các đơn vị này thực hiện chậm tiến độ, đội vốn… Đồng thời cần có phương án dự phòng, thực hiện thanh kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc thực hiện các dự án.
Tuyệt đối không được để lãng phí, tốn kém và có việc “lợi ích nhóm” mà dẫn tới công trình không đạt chất lượng. Nếu phát hiện ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tư lợi cá nhân, ảnh hưởng gây lãng phí, tốn kém cần phải xử lý thật nghiêm.
Thành phố Hà Nội đang xây dựng khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Dự kiến 8 sở, ngành (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) sẽ được di dời về khu liên cơ sau khi công trình hoàn thành. Khu liên cơ thứ 2 được xây dựng tại 52 Lê Đại Hành (Sở Xây dựng hiện nay), đây sẽ là nơi làm việc của các sở, ngành còn lại. |
Đổi đất vàng làm đường sắt đô thị Nhiều chuyên gia lo ngại việc Hà Nội đề xuất đổi đất lấy vốn làm dự án đường sắt đô thị sẽ gặp rủi ro ... |
Bất thường dự án Cát Linh - Hà Đông Cần thanh tra toàn diện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để làm rõ những bất thường và trách nhiệm ... |
Đồng thuận, nhưng chỉ là trên giấy? Đa số bộ, ngành ủng hộ tăng thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu. Đa số đồng thuận cấm xe máy. Và giờ, lại ... |