Sáng 10-1, khu vực Hà Nội chịu tác động mạnh của khối không khí lạnh tăng cường đã khuếch tán được phần lớn lượng bụi mịn PM2.5 lưu cữu những ngày qua, nên chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại các khu vực dao động ở mức 24-89, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhiều
Chất lượng không khí hầu hết các khu vực Hà Nội ở mức tốt. Ảnh chụp màn hình

Hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường đo được trong khung giờ cao điểm 7h-9h cho thấy, có 9 khu vực chỉ số AQI ở mức tốt (thang màu xanh); 4 khu vực chỉ số AQI ở mức trung bình (thang màu vàng).

Những khu vực thường xuyên cảnh báo chất lượng không khí ô nhiễm cao, như: Vân Hà (huyện Đông Anh) đã trở lại mức tốt, chỉ số AQI là 44; thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là 36; thậm chí khu vực phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cũng giảm mạnh, xuống mức trung bình, AQI là 79.

Cùng khung giờ này, tại 3 trạm quan trắc do cổng thông tin quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp, ghi nhận: Tại số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), khu vực Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) và công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân) chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, chỉ số AQI lần lượt là 61, 56 và 49.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Tấn cho biết, sự cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội sáng nay là do không khí lạnh tăng cường giúp khuếch tán bụi mịn và các chất gây ô nhiễm trong không khí.

Tuy nhiên, sự cải thiện này không bền vững, bởi sang đầu tuần sau khối không khí lạnh suy yếu, trời nặng gió, tình trạng ô nhiễm không khí có thể quay trở lại. Bởi, hiện nay đang là cao điểm mùa “ô nhiễm” (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), bụi mịn lơ lửng trong bầu khí quyển tầng thấp không khuếch tán được, gây ô nhiễm.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố thường xuyên có khoảng 1,1 triệu ôtô, gần 7 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề hoạt động, phát sinh nhiều khí thải, gây ô nhiễm không khí.

Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 13 điểm trên địa bàn Thủ đô, tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau. Trong đó, nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) phát sinh nguồn gây ô nhiêm không khí ở mức cao nhất, từ 58 đến 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14 - 23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4 - 18,9%...

https://hanoimoi.vn/ha-noi-chat-luong-khong-khi-hau-het-o-muc-tot-690026.html

Hoàng Sơn / HNM.com.vn