Hà Nội lên kế hoạch từ nay đến năm 2035 sẽ chuyển đổi được toàn bộ xe buýt chạy dầu diezel sang phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.

Ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội bước vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 17 và tiến hành phiên bế mạc. Tại kỳ họp này, HĐND TP đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh.

Theo nội dung đề án, Hà Nội đặt cột mốc từ 2026-2030 sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy LNG (là khí dầu mỏ hóa lỏng, không màu, không mùi) hoặc chạy bằng CNG (khí thiên nhiên thành phần chủ yếu là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với nguồn lực tài chính 43.000 tỉ đồng. Với xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) được định hướng chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ thay toàn bộ xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Các xe còn khấu hao chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh.

Hà Nội đặt mục tiêu sử dụng 100% xe buýt điện -0
Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh.

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2024-2030, tỉ lệ chuyển đổi buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 sẽ là 100% xe buýt chạy tại Hà Nội là xe buýt điện. Sau khi đề án được thông qua, HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành.

Thẩm tra nội dung này, Ban Đô thị đồng tình với mục tiêu của đề án và cho biết việc chuyển đổi giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon cũng phù hợp cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững. Ban Đô thị đề nghị UBND TP nghiên cứu phương án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo tỷ lệ vận tải đến năm 2030 đạt 45-50%; kết nối hạ tầng kỹ thuật hệ thống xe buýt với hệ thống đường sắt đô thị, đảm bảo hiệu quả chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị TP bổ sung phương án cấp điện, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho xe điện, trạm sạc, phương án phòng cháy, chữa cháy phù hợp quy chuẩn. Cùng với đó, Hà Nội cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch.

Hiện nay, Hà Nội có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt city tour. Thành phố hiện có 2.034 xe buýt trợ giá với 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Xe buýt sử dụng CNG (Compressed Natural Gas) là một loại khí thiên nhiên có thành phần chính là khí methane - CH4 (chiếm 85-95%). CNG được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên hoặc từ khí đồng hành trong các mỏ dầu. Đặc điểm của CNG là nhẹ, dễ tan trong không khí, không màu, không mùi, không gây độc hại. Còn xe buýt sử dụng LPG (Liquefied Petroleum Gas) là khí dầu mỏ hóa lỏng (thường gọi là khí gas) có thành phần gồm các loại khí hidrocacbon. Đặc điểm của loại khí này cũng là không màu, không mùi.

Trước đó, vào tháng 1/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn 1 năm đối với 9 tuyến xe buýt hết hạn thầu vào năm 2024. Cụ thể, trong quý 1/2024, Hà Nội có 9 tuyến xe buýt sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm các tuyến như khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn, bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ, Long Biên - Nội Bài và nhiều tuyến khác. Sau khi 9 tuyến xe buýt trên hết hạn thầu, Sở Giao thông Vận tải sẽ thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện. Khi hoàn tất thủ tục đặt hàng, Sở sẽ chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, làm cơ sở cho các đấu thầu tuyến buýt sau khi thời gian thí điểm kết thúc.

Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 68 tuyến xe buýt hết hạn thầu và cần phải chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện. Hiện tại, Hà Nội dành khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm. Đề án này được xây dựng dựa trên Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030.

Quyết định này đặt nền tảng pháp lý cho các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành giao thông đến môi trường. Việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt tại Hà Nội sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng, tạo nên một hệ thống giao thông bền vững và hiệu quả hơn cho thủ đô.

https://cand.com.vn/Giao-thong/ha-noi-dat-muc-tieu-su-dung-100-xe-buyt-dien-i736464/

C.Linh / CAND