Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thành lập Đoàn Kiểm tra điều kiện an toàn đối với xe ô tô tải trọng từ 7 tấn trở lên tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
- Xử phạt hơn 300 xe ô tô cơi nới, quá khổ, chở quá tải
- Siết chặt kiểm tra, xử lý xe quá tải, quá khổ xuyên suốt năm 2022
Kiểm soát từng doanh nghiệp, yêu cầu cắt thùng cơi nới
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trong phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ GTVT, từ ngày 4/7 Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án rà soát, kiểm tra tới từng doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp (Phó trưởng Đoàn kiểm tra) cho biết: Sau khoảng 1 tháng thành lập Đoàn kiểm tra điều kiện an toàn đối với xe ô tô tải trọng từ 7 tấn trở lên, đã có sự chuyển biến tích cực. Đa phần các chủ xe tự giác đưa phương tiện đi cắt, hạ thành thùng cơi nới theo đúng với kết cấu, thiết kế ban đầu.
Ông Lê Xuân Tiến - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội trực tiếp kiểm tra điều kiện an toàn của xe tải
Đơn cử, trong sáng ngày 3/8, ông Lê Xuân Tiến - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT (Trưởng đoàn) đã dẫn đầu tổ công tác tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật đối của phương tiện và điều kiện của người lái xe tải trọng từ 7 tấn trở lên tại các doanh nghiệp tại địa bàn TX Sơn Tây.
Tại Công ty CP Xây lắp và thương mại Ba Vì, thời điểm kiểm tra có 5 chiếc xe Howo gồm BKS: 29C 809.69; 29C - 455.03; 29C - 411.68; 29C - 393.22; 29C - 619.24.Cán bộ đăng kiểm và lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn, kỹ thuật của phương tiện, đo đạc từng xe để kiểm tra kích thước thành thùng hiện tại của xe so với kích thước thành thùng xe được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định.
Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ kiểm tra các xe trên, lực lượng chức năng cho biết đều đã cắt kích thước thành thùng theo đúng quy định.Bà Trương Thị Thị Thanh Xuân - Giám đốc Công ty CP Xây lắp và thương mại Ba Vì cho biết: "Doanh nghiệp có 28 đầu xe lớn, nhỏ. Sau khi được các lực lượng chức năng tuyên truyền và hướng dẫn đơn vị tự nhận thấy làm việc theo quy định của pháp luật là tốt cho doanh nghiệp và xã hội nên doanh nghiệp đã thực hiện cắt bỏ phần cơi nới 100% từ khoảng 1 tháng nay.
Tương tự, tại Công ty TNHH Trường Giang, lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát từng phương tiện tại doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc công ty trên cho biết: "Doanh nghiệp có 17 đầu xe lớn nhỏ, thông qua công công tác tuyên truyền chúng tôi đã thực hiện cắt bỏ phần cơi nới do ý thức việc doanh nghiệp không chấp hành sẽ không hoạt động được. Chúng tôi cam kết 100% cắt kích thước thành thùng".
Trong khoảng 1 tháng lực lượng chức năng rà soát công tác này, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết: Từ đầu đợt kiểm tra đến nay chúng tôi đã tiến hành kiểm tra tại hàng chục doanh nghiệp, ngay tại thời điểm kiểm tra có đến 90% phương tiện cắt bỏ phần cơi nới. Tuy nhiên, tồn tại khoảng 30 phương tiện chưa thực hiện chúng tôi cũng cưỡng chế cắt bỏ kích thước quá tải.
Theo ông Quyền để đạt được tỷ lệ trên là do có sự vào cuộc quyết liệt theo chỉ đạo của Chính Thủ, Bộ GTVT cũng như UBND TP Hà Nội, các lực lượng liên ngành đều kiên quyết trong công tác xử lý cắt kích thước thành thùng, tất cả những phương tiện vi phạm kích thước thành thùng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật do vậy các đơn vị vận tải ý thức và chấp hành ngay.
Doanh nghiệp cắt bỏ kích thước quá tải theo quy định
Doanh nghiệp than lỗ sau khi cắt kích thước quả tải
Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang chia sẻ: Sau khoảng 1 tháng đổ lại đây 100% xe tải của đơn vị phải cắt bỏ kích thước cơi nới dẫn tới hoạt động của doanh nghiệp trở nên khó khăn, lợi nhuận gần như không có, thậm chí nhiều chuyến chạy lỗ.
"Sau khi cắt kích thước quá tải hàng hoá tăng lên khoảng 30 - 40%, thị trường chưa chấp nhận giá cả. Chúng tôi đầu tư ra lượng tiền rất lớn nhưng trọng tải cho phép của Cục Đăng kiểm quá ít, với công suất máy như này doanh nghiệp đang không đáp ứng được.
Một xe howo của chúng tôi theo đăng kiểm chỉ chạy được 13,7 tấn hàng và nếu theo quy định được phép quá 10%, hàng hoá vật liệu rời này chúng tôi chỉ chạy được 8 - 9 khối đá cung đường 60 - 70 cây. Trong khi cùng là xe tải, hãng xe của Hyundai lại có thể trở được 30 - 40 tấn", ông Trung bày tỏ.
Cùng nỗi băn khoăn, lãnh đạo Công ty CP Xây lắp và thương mại Ba Vì cũng cho rằng, cùng là xe tải nhưng nếu của hãng Hyundai họ có thể chở được 30 - 40 tấn, xe Howo trọng lượng được chở có hơn 13 tấn trong khi máy to, lốp nhiều.
"Biết là khó khăn nhưng doanh nghiệp tự nhận thấy việc chấp hành đúng pháp luật thì doanh nghiệp làm sẽ cảm thấy yên tâm và cũng hy vọng xã hội sẽ chấp nhận được giá cả vì việc cắt thành thùng là việc thực tế.
Có thể ở thời điểm này lỗ nhưng nếu các lực lượng chức năng kiểm soát tốt tình trạng chở quá tải, đảm bảo công bằng, các doanh nghiệp đảm bảo chạy theo xe nguyên bản, cạnh tranh lành mạnh thì xã hội sẽ chấp nhận, lúc đó doanh nghiệp sẽ phát triển, người đứng đầu của doanh nghiệp cảm giá yên tâm vì mình làm đúng luật. Chúng tôi mong muốn làm triệt để, mọi nơi mọi chỗ đều làm đúng pháp luật để đảm bảo công bằng", vị này cho hay.
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, ông Lê Thành Điểm - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Cầu Đường bộ (Phó trưởng đoàn) cho rằng: Thực tế xe Hyundai và xe Howo cùng là xe tải có tải trọng chở khác nhau, đang chênh nhau về tải trọng rất nhiều. Đề nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu để làm sao nâng tải cho một số phương tiện đảm bảo an toàn vẫn giữ được hạ tầng, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Cùng đó, ông Điểm kiến nghị thêm: Một số tuyến đường liên tỉnh, liên huyện vẫn còn hệ thống đường cấp 3, tải trọng cho phép chỉ 10 tấn, các tuyến quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp đã đáp ứng được vận chuyển. Trong khi để phục vụ phát triển kinh tế chủ yếu xe đi vào các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, đường quốc lộ cũng chỉ là tuyến để người ta đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. "Tới đây chúng tôi sẽ đề xuất với Sở GTVT Hà Nội để kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên xem xét, điều chỉnh, phù hợp với hạ tầng hiện nay", ông Điểm nói.
"Theo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện nay mức cao nhất trong xử phạt quá tải đối với xe tư nhân có thể lên tới 36 triệu, với doanh nghiệp lên tới 60 triệu và nếu nhiều hành vi cộng vào có thể phạt lên tới hơn 100 triệu với cơi nới thành thùng mức bình quân cũng phải khoảng 20 triệu. Mức này đủ tác động đến ý thức của doanh nghiệp"
.Tiếp tục duy trì kiểm tra, xử lý sau cao điểm
Các tuyến đường xử lý nhiều trường hợp xe tải vi phạm như: Đường Quốc lộ 1A, đường Quốc lộ 3, Quốc lộ 21A, 21B, đường Quốc lộ 32- Đường gom Đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp - Võ Chí Công, đường Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội).
Các tuyến đê, cảng: Đê Hữu Hồng, Tả Hồng, Nguyễn Khoái, Hồng Vân; cảng Khuyến Lương, Phù Đổng, cảng Hà Nội".
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng, xe ô tô tự ý cải tạo, cơi nới kích thước thành thùng trái quy định, xe chở vật liệu xây dựng, đất thải để rơi vãi gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường giao thông, xe bồn chở bê tông đi vào đường cấm, giờ cấm hoạt động trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn có xe chở vật liệu xây dựng trên 7 tấn, chủ động rà soát các tuyến đường thường xuyên có vi phạm và báo chí phản ánh để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng đó sẽ rà soát, thống kê các công trình, công trường thi công có phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động, yêu cầu đơn vị vận tải ký cam kết không chở quá tải, khi phương tiện ra khỏi công trường phải được che chắn đảm bảo kín khít, phải được rửa sạch sẽ phương tiện trước khi tham gia giao thông.