Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội cho biết, sắp tới thành phố sẽ ban hành chỉ thị nghiêm cấm đốt rơm rạ để tránh ô nhiễm và nguy cơ tai nạn giao thông.

Phát thải gần 2.000 tấn CO2

Liên quan tình hình ô nhiễm không khí Hà Nội thời gian qua, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, phân tích, trong tháng 9, Hà Nội vào giai đoạn chuyển mùa, có sự chênh lệch về nhiệt độ các buổi trong ngày, khó khăn trong thoát khí thải.

Hà Nội đã thống kê khoảng 12 nguyên nhân gây ra tình trạng này gồm: khí thải từ ô tô xe máy; đun bếp than tổ ong, bếp củi; xây dựng, phá dỡ công trình chưa kiểm soát được nguồn bụi; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước; mùi hôi thối, ô nhiễm từ các khu chăn nuôi chưa đạt chuẩn; đốt rơm rạ ở các quận, huyện; quản lý chưa tốt trong thu gom rác thải; ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất của Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận; các nguồn phát thải khác từ con người…

Ông Thái cho biết, theo số liệu điều tra của Sở TN&MT, Hà Nội có hơn 55.000 bếp than tổ ong, trung bình mỗi ngày toàn thành phố tiêu thụ hơn 528 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí…

Vấn đề như đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành khi vào mùa thu hoạch lúa cũng tác động trực tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí ở Hà Nội, chưa kể việc tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông vì che khuất tầm nhìn.

 Bếp than tổ ong vẫn được sử dụng tại các cửa hàng ở khu vực nội đô Hà Nội.

Có khả thi?

Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xử lý, cải thiện môi trường như lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc chính thức giám sát chất lượng môi trường đồng thời kiểm soát nguồn xả thải ra môi trường. Thành phố đã thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang dùng xe quét, xe hút bụi nhập khẩu từ châu Âu.

Việc xử lý ô nhiễm ao hồ ở ngoại thành bước đầu được thực hiện. Thành phố cũng ban hành kế hoạch vận động đến 31/12/2020 sẽ không còn sử dụng bếp than tổ ong. Việc này đã giao cho các quận, huyện, thị xã triển khai”, ông Định nói.

Ông Định cho biết, thành phố đã xây dựng nhà máy xử lý bùn, rác thải bằng công nghệ mới; triển khai xử lý chất thải rắn, phá dỡ các tòa nhà bằng công nghệ mới, đã nhập các xe phá dỡ nghiền bê tông, nghiền rác thải xây dựng của Đức; triển khai che chắn công trình khi phá dỡ, đồng thời lên quy hoạch cho tất cả các trạm xăng có kế hoạch xây dựng bổ sung các khu rửa xe tự động.

Chúng tôi thường xuyên giao Thanh tra giao thông và các đơn vị có chức năng kiểm tra các xe chở vật liệu xây dựng. Cùng với đó là chương trình trồng một triệu cây xanh; triển khai chương trình cánh đồng không đốt rơm rạ. Việc không đốt rơm rạ triển khai từ 2 năm trước, được bà con ở các vùng nông thôn ngoại thành hưởng ứng tích cực”, ông Định nói.

Về vấn đề cấm đốt rơm rạ, ông Mai Trọng Thái cho biết, đây là thói quen của người dân chủ yếu để giải quyết vấn đề mặt bằng khi sản xuất. Khi thành phố thí điểm vận động không đốt rơm rạ ở Đan Phượng, Đông Anh, Phú Xuyên đều có hiệu quả, hiệu ứng rất tốt.

Phải xác định rơm rạ là nguồn tài nguyên. Nếu thu gom được để làm các sản phẩm hữu sinh, tận dụng được rất tốt. Thành phố đã có chỉ đạo, sắp tới sẽ ban hành chỉ thị nghiêm cấm đốt rơm rạ để giải quyết vấn đề ô nhiễm, giảm nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, hướng dẫn giải pháp tận dụng làm sản phẩm hữu ích từ rơm rạ. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về việc này. Sắp tới chúng tôi sẽ quyết liệt vào cuộc để người dân không đốt rơm rạ nữa”, ông Thái nói.

/ vtc.vn