Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện "Đề án trái cây", Hà Nội kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 24.10. Ảnh: Thành An
Chiều 24.10, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 23.8.2017 về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội ” (Đề án trái cây).
Cụ thể, thời gian triển khai Đề án từ tháng 8.2017 đến hết năm 2018; đối tượng Đề án hưởng đến là quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn… trên các tuyến phố, khu dân cư... (không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại) thuộc 12 quận nội thành.
Đề án được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 8-9.2017; giai đoạn 2 từ tháng 10.2017-2.2018; giai đoạn 3 từ tháng 3.2018-12.2018. Trong giai đoạn 3, Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doạnh trái cây không thực hiện đúng các quy định tại Đề án.
Kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không nắm rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Hoàn thiện công tác cấp biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định. Công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp biển nhận diện…
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, ATTP là vấn đề được cả xã hội quan tâm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người tiêu dùng cả nước nói chung, của người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội nói riêng ngày càng lớn.
Theo số liệu điều tra ban đầu, nhu cầu tiêu thụ trái cây tại Hà Nội khoảng 52.000 tấn/tháng; trong khi đó, lượng trái cây sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, tương đương khoảng 17.000 tấn. Do đó, lượng trái cây phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.
Bà Lan chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất và kinh doanh tiêu dùng trái cây của Hà Nội còn nhiều tồn tại bất cập như: Hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố, khu dân cư đều nhỏ, lẻ, số lượng hàng hóa kinh và mua từ các chợ đầu mối ít, chú ý đến hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa…
Tình trạng bán hàng rong trái cây trên các tuyến phố, hàng hóa không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ; tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm.. không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, bảo quản nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, kéo dài thời gian sử dụng,.. có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thói quen dễ dãi trong mua sắm nên thường không chú trọng đến việc xem nguồn gốc hàng hóa nên vẫn mua sắm trái cây ở các hàng rong, các nơi không đủ điều kiện bảo quản theo quy định…
Các chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe, một số cửa hàng bày bán chưa có trang thiết bị đảm bảo theo quy định; Công tác tuyên truyền cho các hội, doanh nghiệp kinh doanh chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật còn hạn chế, chưa thường xuyên...
Các tồn tại trên ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, vi phạm an toàn giao thông, khó kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trái cây…
Trong năm 2017, Sở Công Thương đã thành lập 4 Tổ công tác trực tiếp phối hợp cùng các quận nắm bắt tình hình, điều tra, khảo sát và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trái cây tại 12 quận. Đến hết ngày 5.10.2017, 12/12 quận đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát, tổng hợp cơ sở dữ liệu của hàng kinh doanh trái cây; theo kết quả điều tra, khảo sát đợt 1 của 12 quân, trên địa bàn 12 quận hiện có tổng số 1036 cửa hàng kinh doanh trái cây. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường kiểm tra 6 vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh trái cây. Kết quả; xử lý 5 vụ: 1 không niêm yết giá, 1 vụ không đăng ký kinh doanh, 3 vụ nhập lậu; Xử phạt : 12.800.000 đồng; Số lượng trái cây tịch thu đề nghị tiêu hủy: 990kg trái cây các loại, trị giá hàng hóa: 12.360.000 đồng. |
Khởi nghiệp ở tuổi 40 Bắt đầu kinh doanh khi ngoài 40 tuổi là hướng đi khiến nhiều người ngán ngại. Nhưng với chị Bùi Thị Thanh Thủy - Giám ... |
Hà Nội: Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5848/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/ha-noi-se-cap-bien-nhan-dien-cho-cua-hang-ban-trai-cay-du-chuan-816043.html