Thời gian gần đây, người dân Hà Nội lại gặp cảnh tắc đường nghiêm trọng trên nhiều tuyến phố. Dù lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) căng mình điều tiết, phân luồng, tuy nhiên ùn tắc vẫn diễn ra, thậm chí cả ở một số điểm đen ùn tắc vừa xoá xong, nay lại tái diễn.

Còn 34 điểm ùn tắc giao thông

Đường Trần Phú đoạn cổng Học viện An ninh nhân dân hướng đi Nguyễn Trãi thời gian gần đây lại diễn ra cảnh ùn tắc hàng kilomet, nhất là vào thời gian cao điểm sáng và chiều. Đáng nói, đây từng là điểm đen ùn tắc từng được Sở GTVT Hà Nội công bố đã xử lý dứt điểm trong năm 2021. Tương tự, trên đường Trường Chinh hướng đi từ đường Láng cũng trở thành điểm đen ùn tắc ngay sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở. Đến nay, dù được tổ chức lại giao thông, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu, đóng làn đường hướng Tây Sơn… nhưng tình trạng ùn tắc ở đây vẫn rất phức tạp.

un.png -0
Nhiều tuyến đường tại Hà Nội thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm.

Tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng, do các phương tiện từ đường vành đai 2 trên cao ùn ùn đổ xuống, xen lẫn vào dòng người đông đúc bên dưới khiến giao thông tắc cứng. Để qua được khu vực này, các phương tiện lưu thông hướng Trường Chinh - Láng hay Trường Chinh - Nguyễn Trãi phải chờ 4 - 5 nhịp đèn đỏ, mỗi nhịp gần 2 phút. Không chỉ trên các tuyến đường trên, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn thành phố như: Xuân Thuỷ - Cầu Giấy, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu - Lê Văn Lương…

Thừa nhận ùn tắc lại diễn biến theo hướng phức tạp, đại diện Đội CSGT số 7 cho hay, lực lượng CSGT phải rất chật vật để phân luồng trong giờ cao điểm, đặc biệt tại khu vực trên đường 70 khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, trên đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, đường Trần Phú - Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, lối lên đường vành đai 3 trên cao. Tổ chức giao thông chỉ là giải pháp trước mắt để chống ùn tắc. Về lâu dài, cần nhiều giải pháp kết hợp, trong đó quan trọng bậc nhất là đầu tư, mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trong quý II, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục lên phương án xử lý thêm nhiều điểm "nóng" ùn tắc, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Cụ thể,  tại đường Khương Đình đoạn từ Nguyễn Trãi đến Thượng Đình (Thanh Xuân) có chiều rộng hẹp, mặt đường 5,5-6m, hai bên hầu hết không có hè, lề đường thường xuyên xảy ra ùn ứ. Để giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Duy tu bổ sung biển cấm dừng, cấm đỗ đầu đường Khương Đình giao với đường Nguyễn Trãi.

Tại nút giao thông Ngã Tư Sở thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm, Sở GTVT Hà Nội giao Ban Duy tu thực hiện kiểm đếm phương tiện trước khi có biện pháp xử lý cụ thể. Hà Nội sẽ tổ chức lại giao thông khu vực phía dưới cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ vốn thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; tập trung xóa điểm nóng ùn tắc lối lên đường vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La - Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; khu vực nút giao QL5 - đường vào nhà máy sữa Vinamilk... Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2021 đơn vị này đã giải quyết được 10/37 điểm ùn tắc nhưng lại phát sinh thêm 8 điểm mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm 2022 sẽ phải giải quyết 35 điểm đen. Trong khi đó, quý I/2022, Sở GTVT Hà Nội mới xử lý duy nhất 1 điểm ở ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.

Triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông

Theo nhiều chuyên gia, để không còn “điểm đen” giao thông thì cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, nắm chắc địa bàn ngoài việc đề xuất thành phố phương án thuê hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý các điểm trông giữ phương tiện. Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông...

Ngoài ra cần phải đánh giá rõ việc nếu điểm đen gây ùn tắc thì tắc giờ nào, phân tích kỹ. Nếu thường xảy ra vụ tai nạn thì những vụ tai nạn đó có sự trùng hợp gì, có gì đáng phải bàn không… Từ đó mới đưa ra được phương pháp để xóa ùn tắc. Không thể nói xóa là xóa được trong ngày một ngày hai, mà phải có lộ trình, phương pháp đánh giá cụ thể.

Không chỉ có Sở GTVT vào cuộc, mới đây, Bộ GTVT cũng vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành GTVT đã được giao tại Nghị quyết

https://cand.com.vn/Giao-thong/ha-noi-tai-dien-un-tac-nghiem-trong-i654168/

Đặng Nhật / cand.com.vn