Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Thanh Trì và quận Đống Đa. Như vậy, Hà Nội đã có 18 ca sốt xuất huyết tử vong, trong khi năm 2021 không có ca nào.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần 47, TP ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết mới, 2 ca tử vong tại huyện Thanh Trì và quận Đống Đa. Số ca mắc mới tăng 4,1% so với tuần trước (1.378/2).

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như: Hà Đông (207), Đống Đa (133), Thanh Trì (115), Thanh Oai (92), Chương Mỹ (85)...

Tính đến hết ngày 25/11, Hà Nội ghi nhận 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, ca mắc tăng 4,5 lần, tử vong tăng 18 ca (3.265/0).

Các quận/huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc nhất gồm: Thanh Oai (1.244), Đan Phượng (1.142), Hà Đông (1.042), Đống Đa (979), Thường Tín (891), Thanh Trì (853).

Hà Nội thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết -0
Người dân cần lật úp các dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng/bọ gậy.

Tính đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện.

Một số ổ dịch nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài có thể kể đến: Thôn Bủng - Phùng Xá, huyện Thạch Thất; thôn Vinh Lộc 1, Phùng Xá, huyện Thạch Thất; Thanh Thần, Thanh Cao, huyện Thanh Oai; Thao Nội, Sơn Hà, huyện Phú Xuyên...

Hà Nội đang bước vào đỉnh dịch sốt xuất huyết, theo dự báo của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể còn tăng trong thời gian tới, nguy cơ sẽ có thêm bệnh nhân nặng và tử vong.

Trong số ca mắc mới sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo và tiếp tục gia tăng, thì kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng.

Qua kết quả kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa hiệu quả, cụ thể: Ổ dịch Thao Nội - Sơn Hà, Phú Xuyên có chỉ số bọ gậy là 85; ổ dịch xã Phùng Xá - Thạch Thất là 100; ổ dịch xã Tân Lập, Đan Phượng là 75.

Các bác sĩ cũng đã cảnh báo về tình trạng chủ quan của người dân khi có người sốt tới ngày thứ 4-5 mới tới bệnh viện khi bệnh đã nặng, sốc sốt huyết, hoặc có người giảm tiểu cầu sâu, thậm chí tiểu cầu về O/Ml mới tới viện.

Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, để tránh biến chứng nặng do sốt xuất huyết, bệnh nhân không nên điều trị tại nhà, nhất là giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 trở đi. Không tự ý dùng thuốc ở nhà, nếu có dấu hiệu cảnh báo như mệt, nôn nhiều, đau tức bụng, đi ngoài nhiều thì nên đến viện càng sớm càng tốt.

https://cand.com.vn/y-te/ha-noi-them-2-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-i675881/

Trần Hằng / cand.com.vn