Chuyện giáo viên chủ nhiệm “ép” học sinh học kém, trung bình không được thi vào lớp 10 công lập lại tiếp tục tái diễn, như một thứ axit nguy hại làm “hao mòn”, tổn thương sức lực và tinh thần nhiều em học sinh, khiến các bậc phụ huynh vô cùng bức xúc.

“Các con còn một tia hi vọng, sao nỡ dập tắt!"

Ngày 25/4, một số phụ huynh có con em học tại Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã gặp chúng tôi để phản ánh về việc con em họ đã bị "ép" không nên thi vào các trường THPT công lập một cách phản giáo dục.

Một phụ huynh (xin được giấu tên) cho biết, con gái anh học lớp 9A4, điểm của cháu không quá cao, nhưng cũng không quá thấp (chỉ có 2 môn dưới trung bình). Tại buổi họp phụ huynh vào ngày 22/4, cô chủ nhiệm Lê Kim Oanh liên tục nhấn mạnh con anh và 8 em học sinh nữa không nên thi vào lớp 10 công lập. Cô định hướng các con nên học tại một trường trung cấp và nhấn mạnh, “các con phải vào trường trung cấp đó!”. Ngay sau buổi họp phụ huynh, anh và 8 phụ huynh được cô mời ở lại để “tư vấn, hướng nghiệp”.

“Nhưng đấy không phải là tư vấn, mà thực chất là “ép” con em chúng tôi phải từ bỏ ước mơ thi cấp ba khiến chúng tôi vô cùng phẫn nộ vì cô chủ nhiệm không động viên, thắp lên hy vọng cho các con. Cô thường xuyên nhấn mạnh, không phải sự thành đạt nào cũng từ việc học. Các con không nên thi là tốt nhất. Nếu cố tình thi thì chưa chắc đã đủ điểm để đỗ tốt nghiệp hoặc có thể sẽ lưu ban…Tôi thấy các con còn quá bé mà cô định hướng như vậy rất phản giáo dục”, anh cho biết.

1
Một số phóng viên làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Kim Giang.

Một phụ huynh khác kể: “Con tôi về kể, có buổi cô lên lớp làm công tác tư tưởng nhưng như kiểu thao túng tâm lý khiến con tôi về rất buồn. Con bỏ cơm, tâm lý sa sút. Các con có thể học chưa tốt, nhưng các con có quyền được đi thi chứ. Các con khao khát được đi thi vào cấp 3, dù chỉ là một tia hi vọng cũng là tốt, sao nỡ tước đoạt hi vọng của chúng?”. Phụ huynh này còn kể, có buổi học, cô còn điểm tên từng bạn và khuyên “các anh chị tốt nhất không nên đi thi”, vô hình chung dạy cho chúng không được hi vọng. “Đấy có phải là giáo dục, là nhân ái hay là phản giáo dục?”, phụ huynh bức xúc.

Chưa hết, một phụ huynh khác còn cho hay, điều khiến họ cảm thấy con em mình đang gặp nguy hiểm là đến thời điểm này, điểm thi học kỳ II của các em trên hệ thống EnetViet của nhà trường vẫn “trống” điểm. Trong khi, giờ các con phải có điểm để biết mình đang ở đâu còn đăng ký vào trường nào cho phù hợp? Nếu không có điểm, các con sẽ lỡ cả cơ hội thi hoặc tham gia xét tuyển vào các trường ngoài công lập. “Đây là một sự bất bình thường, các con có thể không còn “an toàn” nếu điểm của các con bị “phù phép”, vị phụ huynh lo lắng…

Giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang nói gì?

Sau khi trao đổi với các phụ huynh, chúng tôi đã liên lạc với cô Lê Kim Oanh, cô giáo chủ nhiệm lớp 9A4 và được cô cho hay, đúng là sau buổi họp phụ huynh, cô có mời 9 phụ huynh ở lại để bàn với họ có biện pháp giúp các con nâng điểm số trong kỳ thi tới vì điểm thi thử của các con chưa tốt.

“Tôi trao đổi với các bố mẹ, tôi vẫn nhận đơn đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10 công lập của các con mà, nhưng hiện tôi cũng chưa biết các con có được tốt nghiệp THCS hay không vì các cô vẫn đang nhập điểm xét tốt nghiệp. Tôi có nói, nếu như các con đủ điều kiện xét tốt nghiệp thì các con sẽ được thi vào 10 luôn, nếu chưa tốt nghiệp thì sang năm các con sẽ thi sau, cô vẫn nhận đơn để nộp lên Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhưng trước mắt dù các con có thi hay không thi thì bố mẹ phối hợp với các cô giúp cho các con học tốt hơn, đạt kết quả tốt nhất.

Nội dung câu chuyện chỉ như vậy, nhưng các bố mẹ lại đang hiểu sai, hiểu lầm, nghĩ là tôi không cho thi. Nếu tôi không cho các con thi, sao tôi lại nhận đơn đăng ký của các con?”, cô Lê Kim Oanh cho hay và cho biết thêm, trước đấy cô cũng tư vấn cho một số em không nên thi, vì nếu thi tỉ lệ đỗ của các em rất thấp và theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nên phân luồng cho các em, các em đi đúng hướng sẽ phát triển bản thân tốt hơn. Cô Oanh còn cho biết, trước đó, cô cũng trao đổi với bố mẹ các con nên làm gì sau khi tốt nghiệp cấp THCS, nhưng các bố mẹ không đồng ý với phương án của cô và bức xúc cho rằng, cô không tôn trọng các con, đánh giá các con thấp quá!

“Các cô dạy các con 2 năm liền, theo sát các con và đánh giá được khả năng của các con tương đối chính xác. Tôi định hướng cho các bố mẹ nên chọn phương án nào đó cho các con đỡ áp lực, các con học kiến thức hàn lâm nặng quá, các con sẽ mệt, khó khăn”, cô Lê Kim Oanh cho biết...

Nếu mọi việc đúng như lời nói của cô chủ nhiệm thì vì sao nhiều phụ huynh lại bức xúc, còn con em họ lại buồn bã như vậy?

2
Trưa 25/4, bảng điểm của một số học sinh vẫn trống trơn, nhưng đến tối 25/4, điểm của các em đã cập nhật, trong đó có em đạt điểm số khá cao.

Về phía Trường THCS Kim Giang, cô Phạm Thị Xuân Oanh - Hiệu trưởng cho biết, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, UBND quận Thanh Xuân cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân không bao giờ có chuyện yêu cầu "ép" học sinh không được thi. Tất cả các cấp lãnh đạo rất tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh.

“Quan điểm của nhà trường là các thầy cô giáo chủ nhiệm khối 9 có nhiệm vụ tư vấn cho cha mẹ học sinh, chứ tôi không bao giờ ủng hộ việc các thầy cô giáo “ép” học sinh không được đi thi”, cô Hiệu trưởng nói.

Cũng theo cô Phạm Thị Xuân Oanh, trong mấy năm vừa rồi, dịch COVID - 19 kéo dài, hệ lụy ảnh hưởng tới sức học và tâm sinh lý của học sinh. Sức của con gánh được khoảng 5kg thôi mà lại đặt trên vai con 7-8 kg thì dễ tạo thành tâm lý áp lực. Điều đấy hoàn toàn không tốt, các thầy cô giáo phải có nhiệm vụ tư vấn cho con đúng khả năng của mình để không tạo áp lực về tinh thần.

“Nhà trường và các thầy cô giáo không có quyền thay cha mẹ học sinh "ép" các con vào trường này hay trường kia. Và tôi dùng đúng một từ để nhắc đi nhắc lại các thầy cô, đó là “nhiệm vụ tư vấn”, còn quyền quyết định là của cha mẹ học sinh. Nhưng thực tế đội ngũ giáo viên thì không phải ai cũng có đủ sự tinh tế và khéo léo khi chuyển tải các nội dung đó, cho nên dẫn tới có thể  cha mẹ học sinh hiểu sai vấn đề”, cô Hiệu trưởng cho hay.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, kết quả thi vào cấp ba công lập có phải là một trong những tiêu chí xếp thi đua hàng năm của nhà trường hay không, cô Phạm Thị Xuân Oanh nói, đây không phải là tiêu chí xét thi đua. Bởi vì năm học kết thúc vào tháng 5 thì đầu tháng 6, học sinh mới thi vào lớp 10, lúc đó tất cả các tiêu chí thi đua đã xong rồi. “Nói chung trường nào cũng mong muốn các con của mình đỗ cao, nhưng đó cũng chỉ là một trong các hoạt động về chuyên môn của nhà trường chứ không quá áp lực phải đặt ra để thi đua”, cô Phạm Thị Xuân Oanh bày tỏ.

 “Bất cứ thầy cô giáo nào làm không đúng với quan điểm chỉ đạo của nhà trường, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý với giáo viên tùy theo mức độ. Quan điểm của nhà trường là rất nhân văn với học sinh”, cô Hiệu trưởng cho biết.

3
Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Khi chúng tôi hỏi tiếp về việc, bảng điểm của một số con trên EnetViet hiện vẫn trống, có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi đi thi của các con (nhiều trường THPT ngoài công lập đã bắt đầu xét học bạ của các em học sinh lớp 9), thì việc này sẽ được xử lí như thế nào? Cô hiệu trưởng cho biết, cô chưa biết thông tin này. “Tôi sẽ có kiểm tra lại bộ phận quản lý điểm. Nhà trường có phân công, có có bộ phận quản lý. Bình thường là tất cả các bảng điểm vẫn hiển thị ở tất cả các lớp”, cô Phạm Thị Xuân Oanh nói.

Tuy nhiên, đến tối 25/4, một số phụ huynh điện thoại cho chúng tôi cho biết, điểm của con em họ đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống EnetViet. Thậm chí có em còn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến với số điểm khá cao…

Bao giờ sẽ chấm dứt?

 Câu chuyện "ép" học sinh, thậm chí dọa nạt, yêu cầu học sinh không thi vào lớp 10 công lập năm nào cũng tái diễn, để lại nhiều hệ lụy xấu. Còn nhớ tháng 4/2022, khi dư luận bung ra việc một số trường THCS tại Hà Nội “ép” học sinh học kém không thi vào 10, mà nên đi học nghề theo mô hình lớp 9+, các cơ quan chức năng, từ Bộ GD & ĐT, UBND TP Hà Nội và Phòng GD & ĐT quận Cầu Giấy đã vào cuộc khá nhanh, yêu cầu phải xác minh làm rõ, nếu có hiện tượng đó thì phải xử lý nghiêm. Nhưng theo kết luận của các cơ quan chức năng tại quận Cầu Giấy thì “qua kiểm tra hồ sơ, không có hiện tượng ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10 như thông tin trên mạng xã hội”.

Nhưng làm gì có hồ sơ, sổ sách nào chứng minh cho việc cô giáo “ép” học sinh, nhà trường “ép” giáo viên, chứng minh cho được hành vi “phản giáo dục”, “phản nhân ái” đang âm thầm diễn ra ở không ít trường phổ thông?

Bộ Giáo dục và Đào tạo còn công khai số điện thoại đường dây nóng và email “kêu gọi” người dân hãy phản ánh về hiện tượng trên, nếu có hiện tượng ép học sinh, Bộ sẽ xử lý nghiêm.

Nhưng rốt cuộc, không có ai bị xử lý! Và ở không ít trường THCS có lẽ vẫn “âm thầm” diễn ra các cuộc tư vấn, hướng nghiệp nhưng thực chất là cuộc “bạo hành tinh thần”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý và hoài bão của học trò. 

Báo CAND sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này tới bạn đọc!

Thu Phương / CAND