Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị xử lý được 5/37 điểm ùn tắc, xoá được 5/8 điểm đen tai nạn giao thông (TNGT). Thế nhưng, thực tế thì ùn tắc ở Hà Nội đang ở trạng thái, xoá chỗ này, chỗ khác lại xuất hiện…

CSGT chật vật phân luồng

Ngày 5/7, đơn vị thi công gói thầu số 2 hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã dựng hàng rào tôn dài khoảng 30m chắn ngang đường Nguyễn Trãi theo hướng Hà Đông - Thanh Xuân. Tuyến đường phân làn bằng dải phân cách mềm giữa ngã tư.

un_tac_vi_lo_cot-1689524487472.jpeg

Kể từ đó, việc lưu thông trên tuyến đường vốn đã đông đúc nay thêm phần khó khăn. Đỉnh điểm là vào ngày 13/7, vào 16h trên đường Nguyễn Trãi hướng về trung tâm Hà Nội, hai xe máy tông nhau khiến một người đàn ông trung niên tử vong tại chỗ. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng CSGT đã có mặt để xử lý, phân luồng giao thông, thế nhưng sự cố vẫn khiến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú ùn tắc khoảng 3km. Do nhiều lô cốt chiếm gần nửa đường làm tình trạng ùn tắc kéo dài, xe máy và ôtô tìm cách len lỏi di chuyển. Nhiều người đứng chôn chân giữa dòng xe trong thời tiết 34 độ C…

Tương tự, tại khu vực thi công cầu vượt thép Mai Dịch, tình trạng ùn tắc cũng không khả thi hơn. Chiều 15/7, trao đổi với phóng viên, Thượng úy Phạm Văn Đông, cán bộ Đội CSGT số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau một tuần thực hiện phương án phân luồng giao thông phục vụ dự án thi công 2 cầu vượt thép tại nút giao Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), đã xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng vào các khung giờ cao điểm. Đáng chú ý, dù lực lượng CSGT tăng cường quân số hướng dẫn giao thông, song không tránh khỏi một số bất cập về việc điều tiết các phương tiện di chuyển từ Vành đai 3 trên cao và dưới thấp qua khu vực thi công. Trước đó, để thi công hạng mục bổ sung 2 đơn nguyên cầu vượt thép tại nút giao thông Mai Dịch, Sở GTVT Hà Nội tổ chức phân luồng theo hình thức đảo xuyến trung tâm kết hợp đèn tín hiệu tại đây từ ngày 8/7 đến ngày 31/12/2023. Điều đáng nói, những ví dụ về điểm ùn tắc kể trên chỉ là 2 trong nhiều vị trí ùn tắc mới phát sinh của Hà Nội.

Tiếp tục đưa ra 6 giải pháp

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng.

Thông tin thêm về tình trạng ùn tắc,  Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ: Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20 - 26% trong đô thị trung tâm. Trong đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 - 4%. Quy hoạch cũng nêu rõ tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 - 55% tổng nhu cầu đi lại. Thời gian qua, mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành, gồm: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Song, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, trong bối cảnh lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh, trong khi tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.

Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện tại Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe. Trong đó, có 1,1 triệu xe ôtô, có 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ôtô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau. “Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%, tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi”, ông Bảo đánh giá.

Đứng trước thực trạng như vậy, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đưa ra 6 biện pháp đẩy lùi ùn tắc trong thời gian tới.

Cụ thể, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 (khởi công ngày 25/6/2023) để mở rộng không gian phát triển của thành phố; các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực. Đây là giải pháp cơ bản, có tính bền vững. Cùng đó tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có.

Thứ ba, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị); quản lý vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sau khi hoàn thành; tiếp tục phát triển và cải thiện mạng lưới tuyến buýt theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả hướng tới mô hình tiên tiến, văn minh và thân thiện với môi trường. Tích cực thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đổi mới và quản lý hiệu quả hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hành khách tiếp cận dịch vụ và xe buýt vận hành. Tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m. Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh...

Thứ năm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biển pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông… Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông vận tải.

Hàng loạt giải pháp đã, đang và tiếp tục được đưa ra, nhưng để đưa ra một mốc thời gian khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội một cách tích cực, triệt để hơn, thì dường như chưa ai dám hứa.

https://cand.com.vn/Giao-thong/ha-noi-van-loay-hoay-voi-bai-toan-chong-un-tac-giao-thong-i700581/

Phạm Huyền / cand.com.vn