Hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi kết nối liên tỉnh là một trong những lợi thế thu hút vốn ngoại FDI.
Thị trường Việt củng cố niềm tin nhà đầu tư
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% về số dự án nhưng giảm 68,6% về số vốn so với cùng kỳ.
Nguồn cung kho lạnh vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế (ảnh minh hoạ)
Trước sự biến thiên của dòng vốn FDI, nhiều ý kiến cho cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, có hiệu lực từ 2024. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn trong quá trình khảo sát thị trường đầu tư. Dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng.
Việt Nam là một trong 141 quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua "thuế tối thiểu toàn cầu". Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên. Mục đích thuế này nhằm giải quyết các rủi ro tiềm ẩn về thuế phát sinh từ quá trình số hóa nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế quan như một công cụ đòn bẩy tài chính để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đang đưa ra ưu đãi thuế quan ở mức 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành, quy mô và địa điểm đầu tư. Trong một số trường hợp đặc biệt, mức thuế ưu đãi có thể ở mức 5%, 7% và 9%.
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra một số thách thức đối với việc thu hút FDI. Nếu áp dụng chính sách này quá sớm, Việt Nam sẽ mất lợi thế về ưu đãi thuế quan. Nếu Việt Nam áp dụng chính sách này muộn hơn so với quốc gia mà doanh nghiệp FDI đặt trụ sở chính thì sẽ dẫn tới không thu được phần thuế chênh lệch.
Do đó, tháng 6/2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030. Cuối tháng 3/2023, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện chiến lược này. Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ quan trọng đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có việc nghiên cứu để có phản ứng chính sách đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho hay, các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường.
Mặt khác, vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ; song, số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng mạnh.
Về lĩnh vực đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 972 triệu USD và gần 372 triệu USD.
Điều này đã phần nào khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu, ông Thomas Rooney nhìn nhận.
Hạ tầng tạo lực đẩy cho bất động sản công nghiệp
Theo ghi nhận của bộ phận Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp của Savills, nhà xưởng xây sẵn là phân khúc có nhu cầu khá lớn của các doanh nghiệp đến từ Châu Âu và Mỹ. Với các lĩnh vực kinh doanh như: Điện tử, linh kiện điện tử, chất bán dẫn, năng lượng mặt trời, dệt may...
Trong khi đó, nguồn cung này sẵn có ở phía Bắc, trong thời gian qua đã tăng mạnh ở những thị trường trọng điểm như Hải Phòng, Bắc Ninh. Vì vậy, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những thị trường mới nổi thu hút đầu tư trong khu vực.
Ông Thomas Rooney nhìn nhận, nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp tạo giá trị cao thông qua các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi thuế, ưu đãi xuất khẩu và cải cách giáo dục để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm gần đây đã đi vào hoạt động cải thiện khả năng kết nối liên tỉnh tới thành phố lớn như: Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, dự án Vành đai 4, cao tốc Bắc – Nam... Hạ tầng đồng bộ sẽ tạo động lực phát triển quan trọng, kết nối các tỉnh và mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế thời gian qua, thị trường trong nước ghi nhận những thương vụ đầu tư của những thương hiệu lớn như: Samsung, LG, Foxconn, Tập đoàn Quanta Computer (đối tác của Apple) đã ký thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính tại khu công nghiệp Mỹ Thuận (Nam Định)...
Dù vậy, vị quản lý này không quên nhấn mạnh về nguồn cung kho lạnh trong nước vẫn đang còn thiếu so với nhu cầu. Thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao, không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực.
https://www.baogiaothong.vn/ha-tang-giao-thong-dong-bo-tro-thanh-loi-the-thu-hut-fdi-d592771.html