Sau Táo quân giao thừa Tết Mậu Tuất, có nhiều ý kiến nhận xét chương trình “nhạt”, nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn. Không chỉ Táo quân, mà nhiều chương trình hài tết khác cũng chịu chung “số phận” tương tự.
Táo quân bị chê ngày càng nhạt |
“Format” cũ, diễn viên cũ, những phương pháp gây cười đã bị “bắt bài” cộng với thiếu sự đột phá trong kịch bản, diễn xuất… dẫn đến cảm giác quen thuộc, nhàm chán. Mặc dù dàn diễn viên gạo cội, tài năng song bị bó buộc trong khung của kịch bản, chương trình nên sức hấp dẫn giảm sút.
Ngoài ra, một số đối tượng và phương thức phê phán của chương trình vẫn còn gây tranh cãi như nhận định về mạng xã hội, về nhan sắc của Hoa hậu Đại dương…
Những kết quả nói trên là tất yếu của một ý tưởng cũ, kịch bản cũ và những gương mặt cũ…, trong khi nhu cầu, thị hiếu của độc giả luôn đòi hỏi sự thay đổi và luôn được nâng lên một tầm cao hơn.
Từ đó, có một số ý kiến đề xuất nên dừng chương trình, thay đổi bằng một chương trình mới mẻ hơn. Ngay cả người trong cuộc, nghệ sĩ Chí Trung cũng tuyên bố không tham gia diễn Táo nữa và đề nghị nên dừng chương trình.
Không chỉ Táo quân, mà nhiều chương trình hài tết khác cũng không còn nhận được sự săn đón, háo hức của công chúng như trước.
Nhiều chương trình bị phê phán vì lạm dụng các cảnh “nóng”, “khoe” da thịt, hở hang, nhiều pha gây cười nhảm nhí, tục tĩu…, nghèo nàn về sáng tạo, nhiều diễn viên kém tài năng. Nhiều phim hài tết có chi tiết đại gia hám gái, động chạm thân thể, ăn mặc hở hang, phê phán quá đà những người “nhà quê”…
Một số phim hài, nhà sản xuất lồng ghép quá nhiều phân đoạn quảng cáo với tần suất dày đặc.
Bên cạnh đó, mặc dù tài năng, nhưng sự xuất hiện của những gương mặt và lối diễn xuất quen thuộc của dàn diễn viên hài cũng làm khán giả chán ngấy.
Trong lúc công chúng “ngấy” với hài truyền thống thì một “đối thủ” rất nặng ký đã xuất hiện, đó là những tiết mục, chương trình, video clip hài thực tế được đăng tải công khai trên mạng xã hội, mạng chia sẻ video trực tuyến.
Tạm gọi những tiết mục này là “hài thực tế”, được sưu tầm, phổ biến nhờ sự ưu việt của công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin, với nhiều đặc tính ưu việt như miễn phí, sự phong phú vô tận, sự đa dạng, chân thực, sinh động.
Những video clip hài nổi tiếng được đăng tải, nhận được những lượt “like” (thích) và “comment” (bình luận) cũng như lượt bày tỏ cảm xúc cao kỷ lục.
Thực tế nói trên cho thấy, thị trường giải trí luôn luôn biến động, và những cách làm “tát nước theo mưa” sẽ khó tồn tại lâu dài.
Có phải Tết ngày càng “nhạt” vì smartphone, facebook? Đã có nhiều ý kiến than phiền về việc Tết ngày càng “nhạt”, và một trong những nguyên nhân là smartphone, facebook, mạng xã hội. |
Hài Tết lạm dụng cảnh nóng, gây sốc: Đạo diễn cũng cần tiền để sống Những con số 8, 9 triệu lượt xem mà một số dự án hài Tết đạt được hiển nhiên không từ trên trời rơi xuống ... |