Theo chuyên gia, thay vì loay hoay hết chống lũ rồi quay sang chống hạn mặn, dân ĐBSCL nên thích ứng với tự nhiên, nhưng không có nghĩa là phó mặc cho trời đất.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 được đánh giá là khốc liệt, gay gắt hơn cả đợt lịch sử năm 2016. Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, các trận hạn, mặn khốc liệt đều có thể dự báo trước nhiều tháng. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động và có đủ thời gian để chuẩn bị ứng phó.
"Việc quan sát, dự báo và chuẩn bị phải được thực hiện ngay từ mùa nước nổi, chứ không nên đợi tới mùa khô rồi mới khẩn trương ứng phó", ông Thiện nói.
Né vụ, giảm vụ lúa
Để đối phó với hạn, mặn trong canh tác nông nghiệp, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, trong những năm quá cực đoan, cách tốt nhất là né thời vụ để tránh thiệt hại, thay vì đương đầu sẽ thiệt hại nặng nề thêm.
Năm nay, dựa vào kinh nghiệm năm 2016, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cảnh báo sớm, nông dân thực hiện né vụ. Vì vậy, dù hạn mặn gay gắt hơn 2016 nhưng chúng ta tránh được thiệt hại về nông nghiệp khá nhiều.
Về lâu dài, dân ĐBSCL cần sống thuận theo tự nhiên. "Thuận tự nhiên không có nghĩa là phó mặc trời đất. Quan trọng là cần hiểu quy luật tự nhiên, cái nào can thiệp được, cái nào không để tránh can thiệp thô bạo và phải trả giá khi thiên nhiên lên tiếng. Thay vì cứ loay hoay hết chống lũ lại quay sang chống hạn mặn, mệt nhoài cả năm, chúng ta nên hiểu và thích ứng để đỡ tốn sức và tận dụng được cơ hội", ThS Thiện nói.
Theo ông, chìa khóa của việc sống thuận theo tự nhiên là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, chuyển từ nông nghiệp thuần túy, chạy theo số lượng sang nông nghiệp công nghệ, số lượng ít nhưng giá trị cao, đa dạng hơn. Cụ thể, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ cùng phù sa và tôm cá vào ruộng đồng. Điều này giúp cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn - ngọt trong mùa khô.
“Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu và cây trồng khác rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh 3 vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia. Ưu tiên số một bây giờ không phải là làm ra thật nhiều lúa giá rẻ mà tập trung vào chất lượng. Như gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua dù giá thành cao nhưng vẫn không đủ bán. Điều này cho thấy ngay thị trường trong nước bây giờ cũng có nhu cầu với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, chứ đâu chỉ cần chăm bẵm sản xuất thật nhiều lúa gạo giá trị thấp để xuất khẩu cho các thị trường dễ tính, trong khi làm đảo lộn tự nhiên và cạn kiệt đất đai”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Với vùng ven biển, ông Thiện cho rằng nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.
Chú trọng nước sinh hoạt
Trong đợt hạn mặn năm nay, có khoảng 95 nghìn hộ dân ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
ThS Nguyễn Hữu Thiện nhận định: "Tình hình năm nay bộc lộ một điểm yếu rất rõ, chúng ta chưa chú trọng đầu tư cho vấn đề nước sinh hoạt ở những vùng bị ảnh hưởng mặn. Đó là vì lâu nay, vấn đề nước sinh hoạt bị nhập chung vào nước cho sản xuất. Chúng ta không nên lẫn lộn, nhập chung nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất rồi từ đó vì cái này mà làm cái kia.
“Công trình ngăn mặn để phục vụ sản xuất như trước nay không cung cấp nước sinh hoạt được vì làm nước tù đọng, tích tụ ô nhiễm trầm trọng sông ngòi cả vùng. Dân khó dùng nước này để sinh hoạt được mà vẫn phải sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất. Nếu tách nhu cầu nước sinh hoạt khỏi nước cho sản xuất, nhu cầu sẽ nhỏ hơn rất nhiều và dễ đáp ứng hơn, kể cả bằng kinh nghiệm truyền thống hay công nghệ hiện đại”.
Theo vị chuyên gia, với lịch sử định cư ở vùng đất Cửu Long này, người dân rất năng động và giàu ý tưởng. Dù vậy, họ, nhất là nông dân nhỏ lẻ, rất thiếu nguồn lực. Do đó, Chính phủ cần có hẳn chương trình ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt ở những vùng ảnh hưởng mặn; hỗ trợ cuộc chuyển hóa nông nghiệp của người dân về mặt vốn, kỹ thuật, tổ chức, liên kết, chế biến... để nâng giá trị, tiếp thị đến thị trường nội địa và quốc tế.
Ông Thiện cũng cảnh báo, với tình trạng hạn cực đoan như năm nay, chúng ta cần phải dè chừng vấn đề sạt lở bờ sông, có thể rất dữ dội vào đầu mùa mưa tới, khoảng tháng 6-7.
Chưa đầy 2 ngày, Thủy Tiên quyên góp 6 tỷ đồng giúp người dân miền Tây bị hạn mặn |
5 tỉnh miền Tây công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp |
Về nơi nông dân thoát nghèo dễ dàng dù ở tâm hạn mặn gay gắt |